Từ khóa: nhà đầu tư nước ngoài, góp vốn, mua cổ phần, thu hút vốn đầu tư

Summary

The article provides some basic information about the situation of foreign investors participating in capital contributions and share purchases in Vietnamese enterprises. Thereby, proposing a number of policy solutions to encourage and create favorable conditions for foreign investors to increase their participation in investing and contributing capital to Vietnamese enterprises, creating more motivation for developing internal business capacity and the economy.

Keywords: foreign investors, capital contribution, share purchase, attracting investment capital

GIỚI THIỆU

Trong gần 4 thập kỷ kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút ĐTNN nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà ĐTNN vẫn giữ nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện. Thực tế cho thấy, việc nhà ĐTNN tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các kênh thu hút vốn đầu tư, góp phần không nhỏ vào việc tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Hiện nay, toàn bộ thông tin, dữ liệu về hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam của nhà ĐTNN đều được thống kê và lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đây chính là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Căn cứ những dữ liệu hiện có của các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, các tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam (gọi chung là nhà ĐTNN) và được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia, bài viết giới thiệu những thông tin cơ bản về bức tranh nhà ĐTNN tham gia góp vốn, mua cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đưa ra một số hàm ý khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG NHÀ ĐTNN THAM GIA GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, VỐN GÓP TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Theo dữ liệu được kết xuất tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tính đến cuối tháng 8/2023, bức tranh về tình hình nhà ĐTNN tham gia mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam như sau:

Về số lượng nhà đầu tư nước ngoài

Tính đến cuối tháng 8/2023, có 94.723 nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, có 69.555 nhà ĐTNN là cá nhân (chiếm 73,4%) và 25.168 nhà ĐTNN là tổ chức (chiếm 26,6%).

Về số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Về số vốn góp của nhà ĐTNN và tỷ trọng số vốn góp so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam, vốn góp của nhà ĐTNN tại các doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương gần 243 tỷ USD), trong đó, vốn góp của nhà ĐTNN là cá nhân đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương gần 110 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 58,9% trong tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam) và vốn góp của nhà ĐTNN là tổ chức đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (gần 132 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 70,6% trong tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam).

Mặc dù số lượng nhà ĐTNN là tổ chức chỉ gần bằng 1/3 số lượng nhà ĐTNN là cá nhân, nhưng giá trị vốn góp của nhà ĐTNN là tổ chức tương đương 1,2 lần giá trị vốn góp của nhà ĐTNN là cá nhân (Hình 1).

Hình 1: Tình hình góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Thực trạng nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh mới
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà ĐTNN góp vốn

Cũng theo số liệu kết xuất tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay, có khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà ĐTNN góp vốn nhiều nhất tại các doanh nghiệp Việt Nam được thống kê như tại Bảng.

Bảng: Danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà ĐTNN góp vốn nhiều nhất

STT

Quốc gia/Vùng lãnh thổ

Số vốn góp của nhà ĐTNN (tỷ đồng)

Số doanh nghiệp Việt Nam có nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần (DN)

Tỷ lệ vốn góp của nhà ĐTNN /tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam (%)

1

Trung Quốc

1.031

12.113

68,04

2

Hàn Quốc

920

18.109

65,63

3

Đài Loan (Trung Quốc)

841

4.912

81,32

4

Nhật Bản

774

6.999

66,19

5

Singapore

581

4.771

57,86

6

Thái Lan

224

980

63,42

7

Quần đảo British

210

798

49,57

8

Mỹ

172

4.223

41,99

9

Malaysia

110

1.518

65,42

10

Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

109

1.571

56,09

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hình 2: Các nhà ĐTNN có số lượng doanh nghiệp và số vốn góp lớn

Thực trạng nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh mới
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

10 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên chiếm tới 86% tổng số vốn góp và 77% tổng số nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, 8/10 quốc gia và vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Malaysia, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) vừa góp vốn tại nhiều doanh nghiệp nhất, vừa có nhà ĐTNN tham gia góp vốn nhiều nhất.

Hai quốc gia và vùng lãnh thổ không nằm trong danh sách trên, nhưng có nhà đầu tư tham gia góp vốn tại nhiều doanh nghiệp bao gồm: Australia (góp vốn tại 1.670 doanh nghiệp Việt Nam, số vốn góp là 58.363 tỷ đồng); Pháp (góp vốn tại 1.876 doanh nghiệp Việt Nam, số vốn góp là 43.986 tỷ đồng) (Hình 2).

Các vùng kinh tế có sự tham gia của nhà ĐTNN tại các doanh nghiệp Việt Nam

Nhà ĐTNN tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam phân theo vùng của Việt Nam lần lượt như sau:

Đông Nam Bộ (nhà ĐTNN góp vốn tại 42.310 doanh nghiệp, số vốn góp khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 110 tỷ USD, chiếm khoảng 63% tổng vốn đăng ký); Đồng bằng Sông Hồng (nhà ĐTNN góp vốn tại 19.947 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 1,7 triệu tỷ đồng tương đương gần 70 tỷ USD, chiếm khoảng 57% tổng vốn đăng ký); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (nhà ĐTNN góp vốn tại 5.097 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 730 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chiếm khoảng 62% tổng vốn đăng ký); Đồng bằng sông Cửu Long (nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại 3.286 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 362 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 15 tỷ USD, chiếm khoảng 52% tổng vốn đăng ký); Trung du và miền núi phía Bắc (nhà ĐTNN góp vốn tại 1.773 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 271 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 11 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng vốn đăng ký); Tây Nguyên (nhà ĐTNN góp vốn tại 447 doanh nghiệp, số vốn góp hơn 19 nghìn tỷ đồng, tương đương 781 triệu USD, chiếm khoảng 52% tổng vốn đăng ký). Thực tế này cho thấy, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 khu vực duy nhất có cả số lượng doanh nghiệp, số vốn góp mà nhà ĐTNN tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp lớn nhất.

Về thống kê theo địa phương, 3 địa phương có số doanh nghiệp và số vốn góp của nhà ĐTNN lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh (nhà ĐTNN góp vốn tại 32.143 doanh nghiệp, với số vốn góp hơn 952 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 39 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký), TP. Hà Nội (11.185 doanh nghiệp được nhà ĐTNN góp vốn, với số vốn góp hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 29 tỷ USD, chiếm 45% tổng vốn đăng ký), Bình Dương (5.952 doanh nghiệp được ĐTNN góp vốn, với số vốn góp hơn 620 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 25 tỷ USD, chiếm 67% vốn đăng ký) (Hình 3).

Hình 3: Thứ hạng số lượng doanh nghiệp và số vốn góp vào doanh nghiệp của nhà ĐTNN phân theo tỉnh, thành phố

Thực trạng nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh mới
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THU HÚT NHÀ ĐTNN THAM GIA GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN

Có thể nói, thời gian qua, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN đã giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, tạo nhiều kênh thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch dòng đầu tư đến hiện thực hóa cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút vốn ĐTNN nói chung và nguồn vốn góp này nói riêng để thích nghi hơn với bối cảnh mới, khi chính sách ưu đãi lớn cho nhà đầu tư, như thuế, sắp không còn tác dụng và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có phần chậm lại. Vì vậy, trong thời gian tới, cần xem xét thêm một số giải pháp sau nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho nhà ĐTNN tăng cường tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Một là, tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xóa bỏ hoàn toàn chi phí không chính thức; thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ. Từ đó, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà ĐTNN yên tâm góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam phục vụ mục tiêu kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Hai là, cần có những chính sách ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng tạo ra các “hiệu ứng ngoại tích cực cho nền kinh tế”; tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đầu tư cho con người (y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo); logistic; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0…, để thu hút rộng rãi nhà ĐTNN trong việc tham gia đầu tư, góp vốn tại các doanh nghiệp Việt Nam./.

Trần Thị Xuyến - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 29, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.