Sẽ ban hành 3 chỉ thị về chính sách tiền tệ, tín dụng trong tuần tới
Theo đó, 03 chỉ thị mà Thống đốc nhắc đến bao gồm: giải pháp tiền tệ tín dụng và ngân hàng; thanh tra giám sát ngân hàng và tái cơ cấu hệ thống; an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán sẽ được ban hành tuần tới. Đồng thời, vấn đề về pháp lý làm rõ quyền lợi người cho vay sẽ được Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội Nghị, Thống đốc đánh giá những kết quả đạt được của toàn ngành ngân hàng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặc dù chưa đạt được kế hoạch song GDP tăng 6,2% là kết quả quan trọng phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tín dụng và tỷ giá.
Thành công này có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng nói chung và của hệ thống ngân hàng trên địa bàn nói riêng. Trong đó tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 19,3%, cao hơn mức tăng 18,1% của cả nước.
Tuy nhiên, với mục tiêu tiêu phát triển kinh tế năm 2017, với kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7%; lạm phát dưới 4%, Thống đốc cũng nhận định đây là áp lực và thách thức lớn đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là đối với điều hành chính sách tiền tệ.
Do đó, việc phải đạt được đa mục tiêu trong tăng trưởng và phát triển luôn đòi hỏi chính sách tiền tệ phải tiếp tục thực thi hiệu quả, linh hoạt và phù hợp diễn biến tình hình thực tế nền kinh tế. Thách thức là vậy, nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ ban hành 03 Chỉ thị về chính sách tiền tệ, tín dụng
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, Thống đốc đã đề nghị ngành ngân hàng thành phố, các tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng thực hiện tốt 05 nhiệm vụ.
Một là, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của ngân hàng trung ương về hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống.
Hai là, tăng trưởng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý. Sự chênh lệch kỳ hạn nguồn vốn và cho vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong cho vay, nhất là tín dụng trung dài hạn. Do đó, các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm.
Ba là, phải nâng cao chất lượng quản trị, điều hành và nguồn nhân lực: chất lượng tín dụng không chỉ đòi hỏi thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, về điều kiện và nguyên tắc tín dụng mà còn phụ thuộc nhiều vào năng lực và trình độ quản trị, quản lý và yếu tố con người. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị, các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Bốn là, dù nợ xấu đã được kiểm soát, nhưng các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, đảm bảo kiểm soát được nợ xấu; xử lý nợ xấu để tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững.
Về vấn đề này, Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và đề xuất Quốc hội các vấn đề về pháp lý để làm rõ trách nhiệm của người vay; quyền lợi của người cho vay và bản chất vấn đề đó là quyền lợi của người gửi tiền (vì nguồn vốn huy động của người dân được các tổ chức tín dụng sử dụng cho vay) nhằm đảm bảo việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm nợ vay cho các tổ chức tín dụng được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Năm là, an toàn trong hoạt động thanh toán, hạn chế thấp nhất rủi ro do yếu tố con người, yếu tố công nghệ. Các tổ chức tín dụng cần quan tâm và nghiêm túc thực hiện các quy định về thanh toán, về quy trình thanh toán và bảo mật ngân hàng…
Và sau cùng, dù định hướng hoạt động ngân hàng trong năm 2017 đã phản ánh rõ trong báo cáo của ngân hàng trung ương, song để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng của ngân hàng trung ương trong năm 2017, tuần sau sẽ ban hành 03 Chỉ thị về các giải pháp tiền tệ tín dụng và ngân hàng; về thanh tra giám sát ngân hàng và tái cơ cấu hệ thống; về an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán. Do đó, các Ngân hàng Nhà nước thành phố cần tổ chức và triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị này trên địa bàn./.
Bình luận