Sửa cơ chế thuế, coi chừng “làm khó” sàn thương mại điện tử
Thiếu khả thi
Trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Sàn thương mại điện tử lo bị "làm khó" vì cơ chế thuế đang được sửa đổi |
Theo đó, Điều 1.2 dự thảo quy định tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đều có trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thuế của cá nhân (bao gồm cung cấp thông tin doanh thu hoặc kê khai, nộp thuế thay). Tuy nhiên, quy định như vậy cần được xem xét lại, vì thiếu tính khả thi với một nhóm sàn TMĐT.
Theo kết quả nghiên cứu của VCCI tại Báo cáo “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”, thì sàn TMĐT có thể được phân chia làm hai nhóm: sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến và sàn có chức năng này. Các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ đơn giản có chức năng trưng bày sản phẩm hàng hóa, còn việc trao đổi, chốt đơn hàng và giao nhận, thanh toán đều do người bán và người mua chủ động liên lạc, trao đổi với nhau và sử dụng các phương tiện, dịch vụ của bên thứ ba. Vì vậy, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ không có thông tin về doanh thu của người bán (không có thông tin về số đơn hàng được đặt, mức giá mặt hàng, doanh thu của từng đơn hàng…). Trong khi đó, các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ có khả năng biết được doanh thu của cá nhân kinh doanh, nên mới có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan tại dự thảo Thông tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến
Dự thảo quy định sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, quy định dẫn chiếu sang pháp luật dân sự như tại dự thảo là chưa rõ ràng về hình thức ủy quyền. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc kê khai, nộp thuế thay được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng ủy quyền theo quy định về pháp luật dân sự…
Cần làm rõ trách nhiệm khi làm lộ lọt thông tin
Theo VCCI, việc bảo mật các thông tin, dữ liệu doanh nghiệp rất quan trọng. Khi cung cấp thông tin ra bên ngoài, doanh nghiệp lo lắng 2 điểm: cơ chế bảo mật thông tin chống lại sự tấn công từ bên ngoài; cơ chế quản lý dữ liệu nội bộ để tránh việc đánh cắp thông tin từ bên trong.
Theo quy định tại Điều 2.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, ngưỡng này đã được xây dựng từ năm 2014, nên hiện không phù hợp, khi giá cả đã có sự thay đổi khá lớn so với thời điểm trước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này… |
Với vấn đề thứ nhất, cơ quan thuế cần có các biện pháp nâng cấp bảo mật của hệ thống thông tin, để đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng. Còn với vấn đề thứ hai, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu. Dữ liệu được truyền qua nhiều bên, từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế rồi chuyển về các cơ quan thuế địa phương. Trong quá trình đó, dữ liệu có thể bị lộ, lọt ở bất kỳ khâu nào, kể cả từ phía doanh nghiệp. Do vậy, cơ chế xác định lỗi cần được xác định rõ lỗi xuất phát từ doanh nghiệp hay từ cơ quan thuế…
Khi đã xác định được lỗi ở đơn vị nào, thì việc tiếp theo là xác định ai là người chịu trách nhiệm tại đơn vị đó. Thực tế, các doanh nghiệp đều có cơ chế, quy trình nội bộ về quản trị dữ liệu. Tương tự, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cơ quan thuế bổ sung quy định nội bộ về quản trị thông tin, dữ liệu và yêu cầu phân cấp với hệ thống thông tin, trong đó có quy định về phân quyền truy cập thông tin, yêu cầu đăng nhập khi truy cập và có bản ghi các lần đăng nhập…/.
Bình luận