Sửa Luật Các tổ chức tín dụng kỹ lưỡng, chặt chẽ trước khi trình kỳ họp bất thường của Quốc hội xem xét thông qua
Tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2023), Quốc hội đã không thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) như dự kiến, bởi đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều bước đi tiếp theo kỹ lưỡng, chặt chẽ, để đảm bảo chất lượng dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.
Liên quan đến các bước đi với yêu cầu cao như trên, tại phiên họp thứ 29, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hoàn thiện dự thảo Luật trên tinh thần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng |
Từ sau Kỳ họp thứ 6, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Chính phủ, Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật trên tinh thần kỹ lưỡng, chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; tăng khả năng chống chịu của hệ thống tổ chức tín dụng...
So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 Chương và 200 Điều (giảm 3 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các thành viên của UBTVQH thảo luận; đại diện Chính phủ báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.
Liên quan đến hướng hoàn thiện dự thảo Luật, khi phát biểu bế mạc phiên họp thứ 29 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, riêng đối với dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), UBTVQH sẽ có thêm một buổi làm việc nữa để cho ý kiến về dự án Luật này để bảo đảm xem xét các nội dung một cách kỹ lưỡng. Qua thảo luận, về cơ bản các cơ quan đã thống nhất về mặt cách thức tiếp cận những quan điểm, mục tiêu. Đề nghị các cơ quan của Chính phủ phối hợp chặt chẽ để có thể bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Trong một diễn biến có liên quan, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ban hành thông báo số 3252/TTKQH-TK về việc triệu tập triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp này sẽ khai mạc vào ngày 15/01/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/01/2024.
Đáng chú ý, theo dự kiến, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi)…
Thực hiện kết luận phiên họp thứ 29 của UBTVQH, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH vừa họp cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của UBTVQH để cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau phiên họp thứ 29 của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tích cực làm việc một số cơ quan liên quan để rà soát, tiếp thu ý kiến Kết luận của UBTVQH hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, giải trình gồm 15 chương và 210 điều, tăng 10 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 6.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành dự phiên họp của UBTVQH |
Tại cuộc họp này, UBTVQH tập tập trung cho ý kiến về một số nội dung bao gồm: Điều 159 về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; về quy định chuyển tiếp đối với một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 thể hiện tại khoản 6 và khoản 7 Điều 210; về đánh giá tác động...
Với những bước đi thận trọng, chặt chẽ trên, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được kỳ vọng sau khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường diễn ra trong tuần tới, sẽ hình thành hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này đang bộc lộ không ít rủi ro cần được chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống tổ chức tín dụng./.
Bình luận