Ngày 5/10, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 (phần về đầu tư ra nước) và lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Toàn cảnh buổi Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan soạn thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, Ban soạn thảo Nghị định đã tiến hành họp và lấy ý kiến của các bộ, ngành đối với dự thảo nghị định, đồng thời, cũng mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư là những đối tượng chính sẽ thực thi và gắn bó với Nghị định này.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Nghị định được xây dựng trên quan điểm tạo sự thông thoáng tối đa nhất có thể cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nghị định sẽ phải trình Chính phủ trong tháng 10 này, nên công tác lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo đang được triển khai một cách rất khẩn trương.

Giới thiệu điểm mới của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung cho biết, các quy định về đầu tư ra nước ngoài được nêu cụ thể tại Điều 3 - Giải thích từ ngữ; Điều 6 - ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; Chương V - Hoạt động đầu tư ra nước ngoài (Điều 51 đến điều 68); Điều 73 - Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, Luật Đầu tư năm 2020 có 9 điểm mới so với Luật Đầu tư năm 2014, cụ thể: Thứ nhất, bổ sung định nghĩa về hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Thứ hai, sửa đổi các hình thức đầu tư ra nước ngoài; Thứ ba, bổ sung quy định rõ hơn về ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện; Thứ tư, sửa đổi thành phần hồ sơ đầu tư ra nước ngoài thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; Thứ năm, sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; Thứ sáu, sửa đổi quy định các trường hợp phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; Thứ bảy, sửa đổi quy định các trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hiệu lực; Thứ tám, sửa đổi quy định về gia hạn thời hạn chuyển lợi nhuận về nước; Thứ chín, bổ sung điều khoản chuyển tiếp.

Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài là đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực thi quy định về đầu tư ra nước ngoài thời gian qua. Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 6 chương 47 điều, trong đó, sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 1 điều.

Về mục tiêu xây dựng Nghị định, ông Vũ Văn Chung cho biết, Nghị định được xây dựng với mục tiêu bảo đảm huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển. Hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thống nhất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.

Đồng thời, cụ thể hóa quyền tự do đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư theo hướng quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với một số ngành nghề. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc tăng cường ứng dụng thông tin trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý nhà nước. Đồng thời, xác định rõ hơn trách nhiệm, nội dung và công cụ quản lý nhà nước đối với hoạt động về đầu tư ra nước ngoài theo hướng tập trung vào một số cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành./.