Nếu không có giải pháp hiệu quả, thì thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại phiên họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 27/5), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này, cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua” – Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Thách thức trong tìm lời giải cho bài toán hạn chế nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Phương án 1 là phương án tối ưu nhất, nhưng lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lự

Góp ý cho vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm. Phương án 1 là phương án tối ưu nhất, nhưng lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Tuy là phương án tối ưu song vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

“Việc rút BHXH một lần đã tăng 39% trong quý I/2024. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi, thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút BHXH một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia BHXH là chưa chính xác.”, bà Ry lập luận.

Bà phân tích thêm, đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 03 đến 06 tháng, để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, bà Ry cho rằng, quy định này là chưa rõ ràng, nên đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án này đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Cùng mối quan tâm đến vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu tranh luận: hai phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng BHXH của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 01/7/2025, thì được hưởng BHXH rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.

“Nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực. Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.”, ông Bình kiến nghị.

Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Bà cho biết thêm, về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tại khoản 1 của Điều 3 theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.

Góp ý cho vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị nên bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh) vào khoản 1 Điều 3 Dự thảo để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong Dự thảo là chủ hộ kinh doanh (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh) hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Thách thức trong tìm lời giải cho bài toán hạn chế nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang BHXH bắt buộc, mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng BHXH tự nguyện.

“Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật BHXH đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.”, bà Yến đề xuất./.