Biện pháp hành chính ưu điểm hơn biện pháp hình sự

“Đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp xử phạt vi phạm chính đã có những ưu điểm vượt trội so với giải quyết bằng thủ tục tố tụng hình sự như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã phân tích rất rõ...”, Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất, khi Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, diễn ra sáng nay (ngày 31/5), theo Văn phòng Quốc hội.

Cũng theo ông Quân, quy định như vậy là linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế phát triển của xã hội.

Vi phạm sở hữu trí tuệ, không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là phù hợp với tình hình thực tế (ảnh: Quốc hội)

Đồng tình với đề xuất trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) tán thành với phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nguyên như Luật hiện hành. Việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý, vì biện pháp này có thủ tục đơn giản, nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

“Việc này không những đảm bảo bảo vệ quyền của chủ sở hữu, mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo trật tự quản lý hành chính. Việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự, nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ...”, ông Thi phân tích.

Ở góc nhìn rộng hơn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tránh quy định chung chung, khó hiểu

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, một số vấn đề chưa được làm rõ, gây nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tiễn. Cụ thể như khái niệm “bí mật kinh doanh” vẫn còn chung chung, khó hiểu.

Vi phạm sở hữu trí tuệ, không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính
Theo Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh), một số vấn đề chưa được làm rõ (ảnh: Quốc hội)
Theo Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, việc quy định chung chung, chưa rõ ràng về bí mật kinh doanh khiến cho việc áp dụng quy định này trong thực tế rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước…

Mặt khác, ông Bình cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định khái niệm ‘tài sản trí tuệ’, nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ. Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình, thì trong kinh tế số, tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm dữ liệu, hệ thống thông tin. Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật lần này các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.

Cũng liên quan đến quy định chưa rõ ràng của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Vi Đức Thọ (Sơn La) đề nghị làm rõ quy định liên quan đến “nhãn hiệu nổi tiếng”; đồng thời xác định rõ nội hàm, ý nghĩa của một số cụm từ trong dự thảo Luật như: “sao chép hợp lý”, “thiệt hại một cách bất hợp lý”, “thống nhất ý chí”; “khi biết hoặc có cơ sở để biết”...

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu có xảy ra./.