Thành lập Tổ công tác đặc biệt về thuế tối thiểu toàn cầu: Thủ tướng đã đồng ý!
Tại Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hôm nay (16/4), trả lời về kiến nghị của GS, TSKH Nguyễn Mại, ông Nguyễn Quốc Hùng vui mừng thông báo, hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành.
Toàn cảnh Hội thảo |
Chính phủ sẽ sớm có chương trình hành động cụ thể
Tổ này bao gồm đại diện các bộ ngành liên quan cùng đối tượng được điều chỉnh, các chuyên gia, các nhà khoa học để đẩy nhanh quá trình xem xét để đảm bảo tinh thần như các diễn giả vừa nói, cái quan trọng nhất là thông điệp với các nhà đầu tư khi Việt Nam đã và đang quan tâm vấn đề đảm bảo lợi ích nhà đầu tư.
"Tôi nghĩ Chính phủ sẽ sớm có chương trình hành động cụ thể, làm việc với nhà đầu tư, các đối tượng được điều chỉnh, cách đặt vấn đề này như thế nào sẽ sớm được rút ra trong thời gian tới", ông Hùng chia sẻ thêm thông tin.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay chính sách thuế toàn cầu nói chung đều có tác động đến các hoạt động đầu tư kinh doanh của Việt Nam. "Đặc biệt là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chưa có đánh giá rà soát, nhưng tác động khá mạnh mẽ đến phương thức Việt Nam đã và đang sử dụng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Kèm theo đó chúng ta có cả cơ hội, nếu tận dụng tốt sẽ tăng thu và buộc phải đa dạng hóa các biện pháp đầu tư", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý, mọi thứ đều có điều kiện và phụ thuộc vào hoạt động của chúng ta.
"Bên Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, với vai trò của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tôi cho rằng, trong vấn đề này, thách thức phải giải quyết trước mắt là tính kịp thời. Đây là thách thức không hề nhỏ, về cả nội luật và luật song phương trong khi thời gian lại rất ngắn", ông Hiếu chia sẻ thêm.
Ông cũng chỉ rõ, những nghiên cứu về thuế tối thiểu toàn cầu mới chỉ là sơ bộ và đòi hỏi tổ công tác đặc biệt phải làm việc để sớm hoàn thiện.
"Việt Nam cần ý thức được phải hành động rất quyết liệt, nên tập trung trước mắt tạo sự yên tâm, cơ chế bù đắp một phần hao hụt (nếu có) cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam", ông Phan Đức Hiếu lưu ý.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta có cả cơ hội, nếu tận dụng tốt sẽ tăng thu và buộc phải đa dạng hóa các biện pháp đầu tư |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Giám đốc Công ty Luật InvestPro, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh về câu chuyện ứng phó được những thay đổi, đảm bảo được quyền lợi của Việt Nam và làm sao để nhận được quyền đóng thuế.
Hoan nghênh việc Chính phủ đồng ý thành lập Tổ công tác đặc nhiệm, bà Quỳnh Anh chia sẻ rằng, bà mong muốn Chính phủ hành động, bởi nếu chúng ta không nhanh chúng ta sẽ bị lỡ cơ hội.
Bà Quỳnh Anh cũng đề xuất, thành phần trong Tổ công tác phải có thêm luật sư, vì "chúng ta còn phải nội luật hóa".
Bà Quỳnh Anh cũng nhấn mạnh việc bổ sung thêm tính mới cho các giải pháp về thuế. "Làm sao để chúng ta có những chính sách để ứng phó với quy định mới, vẫn đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư cũ và thu hút nhà đầu tư mới vào Việt Nam", bà nhấn mạnh.
Chính phủ nên nghiên cứu phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền cho nhà đầu tư
Dưới góc độ của doanh nghiệp, phản biện về đề xuất hỗ trợ chính sách, như tăng chí phí hợp lý..., bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam lại nhận định rằng, các biện pháp này sẽ không hiệu quả. "Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể "mở lòng", nghiên cứu phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền", bà đề xuất.
Bà Hương Vũ dẫn chứng, trên thế giới, nhiều nước cũng đã áp dụng biện pháp này và đạt được một số hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, EY cũng sẵn sàng chia sẻ, đồng hành để Việt Nam khi áp dụng phương pháp hỗ trợ bằng tiền sẽ không vi phạm các quy định của WTO.
Trao đổi lại với bà Hương Vũ, GS, TSKH. Nguyễn Mại cho biết, thực tế Việt Nam đã ứng dụng phương pháp hỗ trợ bằng tiền rồi.
Cụ thể, khi mà Intel vào Việt Nam năm 2004-2006, Chính phủ Việt Nam đã thành lập tổ công tác đặc nhiệm, có đại diện các bộ (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ) để lên các kịch bản đàm phán với Intel vào Việt Nam.
Khi đầu tư vào Việt Nam, Intel yêu cầu hỗ trợ bằng tài chính cho doanh nghiệp và Việt Nam chấp nhận, nhưng không phải hoàn toàn bằng tiền mặt mà còn bằng đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tiền mặt khoảng 20-25 triệu USD.
Vì vậy, giải pháp đã được các nước khác, cả EU áp dụng mà không ảnh hưởng cam kết quốc tế thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng và còn dùng nhiều cách hơn khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
"Chính phủ Việt Nam cần thiết phải tôn trọng và đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách này, đồng thời qua đó học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và trong khu vực để hạn chế các tác động tiêu cực của chính sách đến nền kinh tế Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật nôi địa, hiện đại hóa việc quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế cùng với đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư theo xu thế chung của các nước nhưng vẫn không trái với các cam kết quốc tế liên quan", ông Mại chia sẻ quan điểm.
Ông Robert King, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ Thuế tại Thị trường Đông Dương (Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam) cho rằng, bên cạnh hỗ trợ thuế, cần có trợ cấp, hỗ trợ nhà ở công nhân, chi phí hạ tầng..., đảm bảo khả năng thu hút hiện tại cũng như thời gian tới |
Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài yêu "nộp thuế" tại Việt Nam
TS. Võ Trí Thành cho rằng, với tinh thần chủ động, Việt Nam cần phải “dám chơi, biết chơi và rất khéo chơi”. "Trong cái khéo này, chúng ta nghe tất cả, nhưng nên lắng nghe nhất là người chơi trên thị trường. Đặc biệt, cần lưu ý tới các động lực thuế khóa. Đây là khối lượng công việc khổng lồ và cần bước chuyển tiếp, phải có liên minh", ông lưu ý.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, chúng ta không nên quá sợ vi phạm cam kết quốc tế. Nên vận dụng 2 nguyên tắc: nguyên tắc thứ nhất là những cái hỗ trợ chung, chứ không phải là đối tượng cụ thể. Nguyên tắc thứ 2 hỗ trợ hạ tầng và nguồn nhân lực. "Đủ không gian để chúng ta có cách hỗ trợ", ông Thành khẳng định.
"Vì sao người nước ngoài rất yêu Việt Nam mà vẫn rất thích khai thu nhập nhỏ hơn hoặc bằng 0? Ưu đãi có lợi, sao họ vẫn khai không lãi, hoặc lỗ, trong khi đằng nào họ cũng phải nộp ở đâu đó, mà không phải nộp ở Việt Nam?", ông Thành nêu câu hỏi và chỉ rõ, câu chuyện không phải là mức thuế mà có thể là quy trình thuế, có thể do chi phí tuân thủ quá cao (?).
Vì thế, theo ông Thành, việc đánh giá tác động Bộ Tài chính phải cụ thể hơn và nhiều kịch bản tác động hơn.
Chia sẻ về góc nhìn của ông Thành, ông Robert King cho rằng, có rất nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư tại Việt Nam, liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
"Về phía nhà đầu tư, họ sẽ nhìn theo 2 góc độ, một là nhà đầu tư hiện tại họ rất muốn biết được cách thức để họ có thể có được ưu đãi, hỗ trợ để duy trì hoạt động đầu tư. Hai là nhà đầu tư mới, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là có các ưu đãi thuế, vấn đề ở chỗ làm sao tăng khả năng hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông Robert King nói.
Ông cũng đề xuất, bên cạnh hỗ trợ thuế, cần có trợ cấp, hỗ trợ nhà ở công nhân, chi phí hạ tầng và các hỗ trợ khác, để đảm bảo khả năng thu hút hiện tại cũng như thời gian tới./.
GS, TSKH Nguyễn Mại kiến nghị thành lập Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu Tại Hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ... |
Bình luận