Thị trường hàng gia dụng: “Mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp ngoại!
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện mức tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân. Trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng trong nước.
Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước khoảng 12,5-13 tỷ đô la với mức phát triển cao hơn bình quân. Cụ thể, năm 2014 giá trị bán lẻ tăng 10,65% trong khi nhóm hàng này tăng từ 12% đến 14%.
Triển vọng của ngành hàng gia dụng là rất lớn do nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là Việt Nam hiện đang có khoảng 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (từ 18-45 tuổi, chiếm 57%-60%), cùng với thu nhập tăng (trên 2.000 USD) dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.
Bên cạnh sức hấp dẫn về thị trường tiêu thụ là sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân. Tại các thành phố lớn, người tiêu dùng luôn ưa chuộng những sản phẩm có thiết kế đẹp, chất lượng cao và an toàn với sức khỏe.
Ở vùng nông thôn, xu hướng tiêu dùng hàng gia dụng từ trước đến nay vẫn tập trung vào các sản phẩm giá thành rẻ, bền, nhưng chưa để ý đến tính an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, do thu nhập đang dần được cải thiện, bộ phận dân cư này cũng ngày một thay đổi và tiệm cận với xu hướng tại các thành phố.
Với những tiềm năng trên, thị trường gia dụng Việt Nam đang thực sự có nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, song đây cũng vì lý do khiến rất nhiều doanh nghiệp ngoại “nhòm ngó” thị trường nước ta.
Nhận định về vấn đề này, tại hội thảo “Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành hàng gia dụng”, ngày 22/12/2015, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse nhận định, khi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, như: Thái Lan, Hàn Quốc được hưởng lợi thuế 0%, thì nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm.
“Trong vòng 3 đến 5 năm nữa, doanh nghiệp hàng gia dụng Việt sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Phú lo ngại.
Theo đó, để đứng vững được trên thị trường, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trước hết các doanh nghiệp phải đề ra chiến lược cho hoạt động kinh doanh, dự báo được tương lai của ngành hàng để xác định nhu cầu thị trường. Cùng với đó là phải mở rộng sản xuất, nghiên cứu, phát triển mẫu mã, sản phẩm, xúc tiến thương mại, cải thiện, nâng cao hệ thống quản trị doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thường xuyên cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, hiệp hội ngành, nghề để Nhà nước có thể biết được tình hình doanh nghiệp nhằm đưa ra các chính sách tháo gỡ (Hương Dịu, 2015)./.
Tham khảo từ:
Hương Dịu (2015). Doanh nghiệp ngành gia dụng còn khó, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Doanh-nghiep-nganh-gia-dung-con-kho-khan.aspx
Hồng Minh (2015). Ngành gia dụng: Triển vọng tăng trưởng lớn, truy cập từ http://enternews.vn/nganh-gia-dung-trien-vong-tang-truong-lon.html
Bình luận