Cuối cùng, thì thông điệp quan trọng nhất về môi sinh cũng phải được nêu ra: S.O.S.

Bây giờ, chúng ta chỉ còn việc chờ đợi những con người thông thái, uyên bác tiêu hóa thông tin và đưa ra các giải pháp xuất chúng. Trong khi đó, thì theo cùng cách mà tác giả đã làm, tiếp tục tìm hiểu thông tin ta sẽ được cập nhật vài vụ việc chết chóc chẳng kém phần đáng sợ và đều ở quy mô lớn.

San hô chết

Biển Caribe chứng kiến những năm tháng nước ấm lên bất thường, kéo dài. Thực tế này đang trở thành nguyên nhân thúc đẩy một giai đoạn tẩy trắng các rạn san hô, một hiện tượng rất nguy hiểm báo trước cái chết hàng loạt của san hô. Nguyên nhân: Tẩy trắng san hô diễn ra trên quy mô lớn sẽ dẫn tới san hô suy dinh dưỡng do không còn đối tác cộng sinh tảo biển. Thông tin nói trên được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cung cấp, cho biết đây là một trong những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu từng được ghi nhận trong khu vực [2].

Cá voi chết

Cái chết bất thường của hàng trăm con cá voi xám Bờ Tây nước Mỹ vì cạn kiệt thức ăn do việc sụt giảm băng ở Bắc Cực đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon xác nhận. Kể từ 2019 tới nay đã có hơn 700 con cái voi xám ở vùng Bờ Tây đã bị chết đói. NOAA cũng cho biết trong giai đoạn 2016-2023, số lượng cá voi xám phía đông Bắc Thái Bình Dương đã giảm từ 27.000 xuống 14.500 [3].

Cá heo chết

Vùng rừng nhiệt đới Amazon của Brazil trong vòng một tuần đã chứng kiến cái chết của gần 120 cá thể cá heo, được ước lượng có thểm chiếm tới 10% dân số cá heo cư trú tại các con sông Amazon. Nguyên nhân đang được các nhà nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn, nhưng chắc chắn có liên quan trực tiếp tới nhiệt độ nước nóng lên. Nước ấm lên cũng khiến giảm nguồn thức ăn của cá heo do cá chết và quá trình sinh trưởng các loài cá bị rối loạn.

Bờ sông khô cạn và cá chết hàng loạt do hạn hán ở Hồ Piranha, Brazil vào 27/09/2023 (Nguồn: Edmar Barros/AP [4])
Bờ sông khô cạn và cá chết hàng loạt do hạn hán ở Hồ Piranha, Brazil vào 27/09/2023 (Nguồn: Edmar Barros/AP [4])

Khu vực này còn bị hạn hán. Việc cá heo chết do thiếu thức ăn chắc chắn sẽ không làm cho người dân ngạc nhiên vì thành phố Tefe, với dân số 60.000 người, còn không tiếp cận được cả nguồn trợ cấp lương thực do nước sông cạn, giao thông bị ách tắc.

Những cái chết khủng khiếp vừa cập nhật ở trên đều gắn liền với biến đổi khí hậu, một hậu quả trực tiếp của tồn lượng khí nhà kính trong khí quyển. Tuy vậy, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, sếp lớn của hãng dầu mỏ Chevron cho rằng việc kinh doanh của hãng đã đóng góp cho cuộc sống trên Trái đất trở nên tốt đẹp hơn. Ông ấy cho rằng những sản phẩm ông ấy bán đều là những hàng hóa "tử tế [5]. Nhiều nhà khoa học khi đọc được tin này trên Reddit đã bổ sung thêm cho “big boss” (“sếp lớn”) của Chevron rằng, chỉ có đám người tiêu dùng là làm chuyện xấu xa mà thôi!

Với cách suy nghĩ cục bộ vì lợi nhuận thuần túy, và đánh giá sự tốt đẹp của hoạt động qua lợi nhuận thì kết cục tất yếu là lượng phát thải khí nhà kính chỉ có thể tăng. Cập nhật mới nhất cho biết lượng khí thải carbon dioxide dự kiến sẽ tăng khoảng 1% so với mức kỷ lục 2022, để đạt mức cao mới mọi thời đại, dự báo xấp xỉ 37.9 GT [6].

Như vậy, có lẽ tác giả D. Lynch đã có lý khi ông nghi rằng con người đã đẩy thiên nhiên đến điểm cáo chung thông qua việc tự gây ra khủng hoảng quan hệ với thiên nhiên [7]. Khi tiến vào kỷ nguyên Anthropocene (thế Nhân Sinh), con người đã hành xử như bề trên, khinh thường những dạng sinh vật được cho là bậc thấp hơn. Con người chủ động khai thác mọi nơi khiến cho không còn bất kỳ hệ sinh thái nào trên Trái đất được bảo vệ khỏi sự tàn phá của con người. Đến bây giờ, lời kêu gọi bảo tồn môi sinh đang vang lên khắp nơi. Thế nhưng, việc bảo tồn lại luôn vấp phải những trở ngại vì những thiếu thốn phương tiện kinh tế, tài chính [8]. Hy vọng hạn chế phát thải và chặn đà tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C ngày càng xa vời. Triển vọng rõ nét hơn sẽ có khả năng là tiếp tục thống kê thương vong trong thiên nhiên, những cái chết là nạn nhân của biến đổi khí hậu.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong, Q. H. (2023). Meandering Sobriety. https://www.amazon.com/dp/B0C2TXNX6L

[2] Chow, D. (2023, Oct. 22). Extreme ocean temperatures threaten to wipe out Caribbean coral. https://www.nbcnews.com/science/environment/extreme-ocean-temperatures-threaten-wipe-caribbean-coral-rcna120594

[3] Baumhardt, A.(2023, Oct. 19). Unusual deaths of hundreds of West Coast gray whales linked to lack of Arctic ice. https://oregoncapitalchronicle.com/2023/10/19/unusual-deaths-of-hundreds-of-west-coast-gray-whales-linked-to-lack-of-arctic-ice/

[4] Associated Press (2023, Oct. 10). More than 100 dolphins found dead in Brazilian Amazon as water temperatures soar. https://www.npr.org/2023/10/03/1203173296/dolphins-found-dead-brazil-amazon

[5] Royle, O. R. (2023, Oct. 23). Chevron boss says the $300 billion oil giant has changed life on Earth for the better: ‘We’re not selling a product that is evil’. https://fortune.com/2023/10/23/chevron-ceo-mike-wirth-interview-earth-environment-evil/

[6] Macnamara, K. (2023). Global Emissions Predicted to Hit New High in 2023, Scientists Warn. https://www.sciencealert.com/global-emissions-predicted-to-hit-new-high-in-2023-scientists-warn

[7] Lynch, D. (2023, Oct. 17). Have we reached the end of nature? Our relationship with the environment is in crisis. https://theconversation.com/have-we-reached-the-end-of-nature-our-relationship-with-the-environment-is-in-crisis-206278

[8] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9