Những con số ấn tượng

“Việt Nam đang trở thành điểm nóng trong hoạt động thu hút FDI của khu vực”, đây là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc Quỹ VinaCapital Việt Nam trên CNBC.

Nguồn FDI chảy vào Việt Nam tăng trưởng ngày càng nhanh giúp Việt Nam trở thành nước đứng thứ tư trong khu vực châu Á về việc thu hút FDI chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm (1987- 2018) “đón” vốn FDI, lũy kế đến ngày 20/04/2018, Việt Nam đã thu hút được 25.524 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trên báo điện tử Bnews, hiện dòng vốn FDI đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 44,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 2 với 30,7 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư; Hà Nội đứng thứ 3 với 27,7 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư đồng hạng với Đồng Nai với 27,34 tỷ USD, chiếm 8,6%.

Ông Andy Ho cho biết thêm: “Trong vòng 5 đến 10 năm qua, Việt Nam đã tạo ra một môi trường kinh doanh rất thân thiện mà ở đó tỷ giá hối đoái, hạ tầng pháp lý, lạm phát và lãi suất đều ở mức ổn định”. Đây là những lý do chính giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Ho nhấn mạnh sự hiện diện của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Intel và Samsung ở Việt Nam, xem đây là ví dụ cho thấy Chính phủ Việt Nam nhận thức được rằng vốn FDI sẽ tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước.

Đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội

Đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thu hút FDI 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định với Báo Đầu tư rằng, đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “khơi dậy” và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước.

Số liệu thống kê cho thấy, FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP chiếm khoảng 20%.

Bên cạnh đó, FDI còn giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào ngành công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, khoảng 58% tổng vốn FDI được đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng... Việc này giúp Việt Nam nâng cao giá trị và tạo ra sự chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo hướng tích cực hơn và cạnh tranh hơn.

Samsung là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất ở Việt Nam hiện nay

Khu vực FDI cũng đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế, góp phần ổn định tình hình xã hội. Khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp…được tạo ra từ khu vực FDI trong năm 2017.

Trên thực tế, có rất nhiều lao động, sau một thời gian làm việc cho các doanh nghiệp FDI, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ năng quản lý sau đó đã tách ra thành lập công ty riêng, những doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng với đó, nhờ thu hút FDI, rất nhiều các thương hiệu, tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam đã xuất hiện tại Việt Nam, điển hình, như: Samsung, Toyota, Honda, Canon, P&G… Sản phẩm của các thương hiệu này sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nhờ nguồn vốn FDI, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán tốt nhất châu Á. Cụ thể, tháng 4/2018 đã đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng 2 năm qua. VN-Index đã tăng 42% trong 12 tháng qua.

Đây cũng chính là những cơ sở khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam 2018 đạt 6,6%, cao hơn mức trung bình của các thị trường mới nổi là 4,9%.

Chiến lược mới

Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, rất nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với mục đích tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, kết nối với doanh nghiệp trong nước quá lỏng lẻo. Không ít các doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng lao động trẻ đến 35 tuổi.

Đặc biệt, thu hút FDI đạt trên 320 tỷ USD, song tính đến nay vốn FDI thực hiện mới chỉ đạt khoảng 170 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng vốn FDI đăng ký. Năm 2017, Việt Nam thu hút FDI đạt 35,88 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện cũng chỉ đạt 17,5 tỷ USD.

Vốn FDI giải ngân còn thấp so với vốn đăng ký, là do thu hút FDI thời gian qua thiếu sự chọn lọc và tập trung nhiều vào số lượng và chưa quan tâm đến chất lượng dự án. Nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để giữ đất và không có khả năng triển khai dự án.

Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tồn tại của dòng vốn FDI, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới đây cần có sự thay đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế, đến khu vực doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển.

GS, TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, chia sẻ với báo Vietnam Finance rằng, Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, ít gây hiệu ứng nhà kính, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) , chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, kết cấu hạ tầng. Vì đây là những ngành hướng tới phát triển lâu dài và bền vững.

Mặt khác, thay vì thu hút FDI nhờ vào các chính sách ưu đãi, lợi thế về nhân công giá rẻ, thời gian tới, để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam nên thu hút FDI dựa trên nền tảng công nghệ, kỹ năng lao động và chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, còn các giải pháp khác như tiếp tục thực hiện tốt công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện khâu thực thi pháp luật và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FDI, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đưa ra những cơ chế đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam nhằm thu hút được những dự án FDI có công nghệ tốt, hạn chế những dự án đầu tư với mục đích lợi dụng tận dụng những chính sách ưu đãi vượt trội, hay đầu tư vào để giữ đất.

Đặc biệt, để tăng sức lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế trong nước, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trả lời trên báo điện tử Bnews, cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu họ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, thay vì cam kết tỷ lệ nội địa hóa 10% như đa số các nhà đầu tư hiện nay. Có như vậy, FDI mới tạo được sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước./.

Nguồn tham khảo:

https://www.cnbc.com/2018/05/17/vietnam-communist-government-knows-how-to-attract-investors-strategist-says.html

http://bnews.vn/30-nam-thu-hut-fdi-dau-an-lon-cho-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/85115.html

http://baodautu.vn/7-duoc-6-chua-duoc-trong-thu-hut-fdi-d81968.html

http://vietnamfinance.vn/giao-su-nguyen-mai-khong-nen-thu-hut-them-du-an-fdi-san-xuat-xi-mang-sat-thep-loc-hoa-dau-20180210221426357.htm

https://en.portal.santandertrade.com/establish-overseas/vietnam/investing