Thúc đẩy Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản mở rộng thành viên, góp sức phát triển Đất nước
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự buổi gặp mặt Ảnh: MPI

Chia sẻ tại buổi gặp mặt Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tại Tô-ky-ô, Nhật Bản ngày 26/5/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao nhiệt huyết, tấm lòng của các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản đang tích cực tham gia, đóng góp cho đất nước. Chúc các bạn luôn dồi dào năng lượng, ngày càng thành công trong sự nghiệp, cuộc sống và mong các bạn luôn hướng về đất nước và đóng góp trí tuệ, công sức của mình cho sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng đánh giá, các thông tin Chủ tịch Hội Tạ Việt Phương trình bày đã cho thấy sức mạnh của đội ngũ tri thức Việt Nam cả về tiềm năng và tiềm lực. "Các kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và khích lệ; đã dần phát huy được nguồn lực trí thức, nhân tài, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản, phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước", Thứ trưởng phát biểu.

Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung thêm 3 gói hỗ trợ chuyển đổ số cho DNNVV

Ấn tượng với các góp ý của TS. Tô Kiên về chính sách chuyển đổi số cho Việt Nam, đặc biệt là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, 26 nghìn hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên và hơn 1,7 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký. "Hầu hết trong số trên có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh chủ yếu là quy mô siêu nhỏ; đối với doanh nghiệp, trên 94% là nhỏ và siêu nhỏ, gần 6% quy mô vừa và lớn, nên các gợi ý chính sách về chuyển đổi số cho nhóm đối tượng này có ý nghĩa thiết thực".

Thực tế các hoạt động về chuyển đổi số cũng đã được triển khai tích cực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu như: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số cho ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp; thành công mô hình chuyển đổi số để nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tập trung thêm 3 gói hỗ trợ: Gói Start Digital nhằm hỗ trợ mới bắt đầu chuyển đổi số; Gói Grow Digital nhằm hỗ trợ chuyển đổi số để tăng tốc phát triển; Gói Go Digital - Go Global nhằm hỗ trợ chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Thúc đẩy Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản quy tụ những cá nhân xuất sắc

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận, Hội tri thức Việt Nam tại Nhật Bản đã có sự liên hệ và phối hợp rất chặt chẽ và hiệu quả với Trung Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao các bài học và khuyến nghị của TS. Phạm Văn Long về lộ trình phát triển năng lượng tái tạo và xe điện tại Việt Nam nhằm phát triển năng lượng bền vững, dựa trên các kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước phát triển, có giá trị tham khảo thực tiễn, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết mạnh mẽ tại COP26 (giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050), nhưng đồng thời nêu một số lưu ý.

Cụ thể, chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn về các thách thức song hành với lộ trình này, như: (i) Các khó khăn về công nghệ pin và thiết bị lưu trữ; (ii) Hệ thống hạ tầng cung cấp sạc điện công cộng (cột sạc, diện tích xe đỗ sạc, nguồn điện cao áp ổn định cho trụ sạc...); (iii) Khả năng cung ứng sản lượng điện khi số lượng xe lên tới hàng triệu; (iv) Hệ thống truyền tải, phụ tải và khả năng đáp ứng của hệ thống điện dân dụng khi sạc tại nhà; (v) Phương án thay thế các xe ô tô nhiên liệu truyền thống... "Do vậy, bên cạnh sử dụng năng lượng điện, cũng cần tiếp cận thêm các phương án phát triển đồng thời các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh khác, như hybrid, hydrogen...", Thứ trưởng nói.

Để hoạt động của Hội tri thức Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục có những đóng góp ngày càng quan trọng, thực chất vào thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nữ lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, Hội tiếp tục quy tụ, phát triển và mở rộng thành viên trên cơ sở phối hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các hội thanh niên, sinh viên, trí thức, doanh nhân, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản để tuyển chọn, quy tụ được những cá nhân xuất sắc. Chủ động, tích cực xây dựng các chương trình hoạt động, các kế hoạch cụ thể hàng năm để phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước; trong đó có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tận dụng, thu hút tối đa các nguồn lực có thể hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong phục hồi kinh tế sau Covid-19, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các đối tác Nhật Bản và Việt Nam./.