“Thúc” DNNN đã cổ phần hóa khẩn trương “lên sàn”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Văn bản số 1768 về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký giao dịch, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.
Doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần, phải “lên sàn”
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01/11/2016.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 51 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, theo tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo mới đây là phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo hướng thu gọn lại số lượng còn khoảng 200 doanh nghiệp nhà nước. |
Cụ thể, đến ngày 28/09/2016, cả nước đã cổ phần hóa 48 doanh nghiệp nhà nước và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam và một số địa phương. Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp: giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, 9 tháng đầu năm nay, cả nước có Bộ Xây dựng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 2.809,3 tỷ đồng, thu về 4.993,1 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó, dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, sẽ có 30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc nhiều lĩnh vực (xăng dầu, điện, dầu khí, viễn thông…) đang thuộc sở hữu của nhiều Bộ ngành hiện nay sẽ được chuyển về Ủy ban này quản lý.
Tại báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 10 và quý IV/2016, sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành đúng tiến độ các cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo Nghị định, Quyết định về: quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phải kiểm toán kết quả định giá các “ông lớn”
Trước đó, hồi cuối tháng 08/2016, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.
Theo đó, để nâng cao tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa.
Nếu nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, ngày 20/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Tài chính được giao trước ngày 15/09/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.
Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước./.
Bình luận