Thực phẩm bẩn tràn lan: Do đâu?
Ngày 18/01, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp".
Vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta hiện đang gây nên nhiều lo lắng cho người dân. Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm 2018 đã cận kề, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì thế, rất nhiều các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, vì tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường, nên khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng rất băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào cho an toàn. Trong khi đó, căn cứ xác định hàng bẩn, hàng giả là vô cùng khó khăn.
Các diễn giả trong tọa đàm |
Chỉ rõ các nguyên nhân khiến tình trạng thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Còn tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Công nghệ chế biến lạc hậu; ý thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chưa cao; Thu hồi xử lý thực phẩm chưa nghiêm; Môi trường sản xuất chưa an toàn; Quy hoạch vùng sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ; Chế tài xử lý chưa răn đe; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt...
Trong khi đó, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lại nhấn mạnh đến nguyên nhân liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm.
Theo bà Nga, muốn hạn chế được tình trạng thực phẩm bẩn, thì ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát để truy xuất và thu hồi các sản phẩm này. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ, nên việc kiểm soát rất khó khăn. Theo đó, nếu vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ, thì việc thực phẩm không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ lại nhấn mạnh đến nguyên nhân về ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người nông dân không chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và nảy sinh tâm lý ngắn hạn, dẫn đến việc để tối đa hóa lợi ích, họ sẵn sàng lạm dụng hóa chất trong sản xuất và chế biến thực phẩm, khiến nhiều người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, bà Bùi Bích Liên, Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM lại cho rằng, cái khó để sản xuất thực phẩm sạch là Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn cụ thể.
Bà Liên cho biết, chính vì bộ quy chuẩn không rõ ràng, nên các đoàn thanh tra, kiểm tra của các bộ, ban ngành khác nhau lại có các tiêu chí, cách nhìn khác nhau, dẫn đến sự lộn xộn khi đánh giá về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Điều này cũng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng từng tiêu chí mà các bộ, ngành khác nhau đưa ra.
Nguồn gốc “bẩn” ở đâu, thì phải “trị” ở đó!
Để kiểm soát vấn nạn thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Việt cho biết, trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nguồn bẩn xuất phát từ đâu, thì phải trị từ đó.
Ví dụ như, sản phẩm Nấm Việt đang gặp khó khăn về hàng trà trộn của hàng Trung Quốc, theo đó, cơ quan quản lý xử lý được vấn đề này để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cũng cho rằng, cần phải quan tâm đến việc truy suất nguồn gốc sản phẩm.
“Chúng ta cần phải truy suất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn. Đây sẽ là cơ sở để phát hiện thực phẩm này xuất xứ từ đâu. Từ đó người sản xuất mới gắn được trách nhiệm của họ vào việc sản xuất”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Ninh Thị Duyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc cho biết, để chống được thực phẩm bẩn, cần tạo ra được môi trường đối thoại với nhau để các nhà sản xuất, phân phối, tiêu dùng chia sẻ và tìm ra được mâu thuẫn. Bởi, nếu không ngồi với nhau thì không thể giám sát chéo được.
Còn theo ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội, vấn đề chống thực phẩm bẩn cần phải được giải quyết đồng bộ. Trong đó, cơ quan chính quyền ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm sạch, thì cũng cần ban hành quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và có biện pháp ngăn ngừa sản phẩn này xuất hiện trên thị trường; thông tin tuyên truyền những doanh nghiệp sản xuất sạch, đồng thời phanh phui các sản phẩm bẩn để người tiêu dùng biết được.
“Đối với doanh nghiệp thì cần đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới có thương hiệu và thành công. Về phía người tiêu dùng phải nhận thức được sản phẩm của mình và thay đổi được thói quen người tiêu dùng”, ông Hùng cho biết.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart lại nhấn mạnh đến niềm tin của người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm sạch để khuyến khích các doanh nghiệp có trách nhiệm; đồng thời tẩy chay những doanh nghiệp không có ý thức trong sản xuất thực phẩm sạch.
Bà Dương nhấn mạnh: “chúng tôi mong muốn việc sử dụng sản phẩm sạch là nhu cầu hiển nhiên của người tiêu dùng trong hiện tại và tương lai”./.
Bình luận