Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao nổi bật để đẩy mạnh, phát triển toàn diện. Trong đó hoạt động du lịch được xem là trọng tâm đã có những chuyển biến tích cực. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đổi mới và hấp dẫn hơn. Số lượng khách sạn đạt chuẩn sao và nhà nghỉ du lịch được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại, lượng khách du lịch tăng bình quân 10% so với cùng kỳ năm 2015. Các sản phẩm du lịch như: du thuyền trên dòng Mekong, đi thuyền chèo trong kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông, thưởng thức trái cây đặc sản, các món ăn địa phương, homestay…ngày càng được chú trọng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách.

Các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại Tiền Giang như: Khu du lịch sinh thái cù lao Thái Sơn, đây là khu vục trung tâm phía Nam của tỉnh Tiền Giang, là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và khu đón tiếp khách du lịch đường bộ, liên kết nhiều hộ dân tạo thành khu du lịch sinh thái cộng đồng. Nơi đây, với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức trái cây đặc sản, đi đò trên kênh rạch, đặc biệt ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế là được nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra du khách còn được tìm hiểu thêm nét văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam Bộ.

Khu du lịch Cái Bè, khu vực phía tây của tỉnh Tiền Giang với điểm nhấn Chợ nổi Cái Bè, đặc trưng với sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Đến với khu du lịch Cái Bè thực khách được khám phá làng cổ Đông Hòa Hiệp thông qua dịch vụ nghỉ đêm tại nhà dân, trong các ngôi nhà cổ, phát triển khu resort Nam Bộ chất lượng cao dọc sông Tiền theo hướng vừa văn minh lịch sự, hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước miệt vườn. Tại đây, thực khách còn được thưởng thức nhiều trái cây đặc sản của vùng như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò, cam, quýt Cái Bè…

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, khu vực phía Bắc của tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng với khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với 107 ha rừng tràm ngập nước thuộc huyện Tân Phước. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn phát triển du lịch biển với 32 km vùng biển Gò Công ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, hiện nay đang đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực biển.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Tiền Giang đã đã đón 849 nghìn lượt khách, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách quốc tế đạt 313 nghìn lượt khách, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 536 nghìn lượt khách, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng doanh thu tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, cấp mới 16 thẻ hướng dẫn du lịch và 32 cơ sở lưu trú (Trong đó có ba khách sạn 2 sao, tám khách sạn 1 sao, hai mươi nhà nghỉ du lịch và một homestay).


Cán bộ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang

Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng hai cờ thi đua xuất sắc cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Gò Công; tặng 10 Bằng khen cho 7 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch; 37 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch”.

Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 12 tập thể đạt danh hiệu Lao động xuất sắc năm 2015; tặng bằng khen cho 9 các nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong hai năm 2014 và 2015.

Đặc biệt, tại buổi Họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngành Thể dục – Thể thao có 3 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 37 cá nhân được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch”; 23 cá nhân được tặng bằng khen của UBND tỉnh có quá trình công tác trên 30 năm trong ngành.


Ông Nguyễn Ngọc Minh- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Những kết quả đạt được nêu trên nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự phấn đấu của cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở.

Với phương châm “Đẩy mạnh phát triển ngành du lịch trong thời gian tới”, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ quy hoạch, định hướng và có cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa vào tiềm năng sẵn có. Cần phải xây dựng sản phẩm du lịch thương hiệu riêng của tỉnh để đáp ứng nhu cầu phục vụ của du khách. Đồng thời, phát tiển du lịch sinh thái, miệt vườn gắn liền với bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, cảnh quan, môi trường sinh thái. Mở rộng phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống để ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tiền Giang./.