Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian tới
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhờ những cải cách trong cắt giảm thủ tục hành chính ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh |
Luật Doanh nghiệp năm 2020 góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuân lợi
Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2020 góp phần xây dựng nên một môi trường kinh doanh thuân lợi, cùng với đó là các bộ, ngành cũng đang từng bước điều chỉnh, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm bớt thủ tục, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ nhiều hơn.
Tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tích cực của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp năm 2000, 2005 và 2014 về hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được xây dựng với một số mục tiêu cụ thể sau: Thứ nhất, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); Thứ hai, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới); Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế; Thứ tư, tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một trong những cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là giảm thiểu thủ tục đăng ký kinh doanh. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để cấu tạo nên thứ hạng môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới hàng năm.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các phương thức đăng ký doanh nghiệp gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã cụ thể hóa hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, nhằm phát huy sự chủ động của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và thời gian đi lại của doanh nghiệp.
Hiện nay, 100% tỉnh, thành phố đã áp dụng hình thức nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử song song với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Thậm chí, tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương chỉ áp dụng hình thức nộp hồ sơ qua mạng điện tử, không nhận hồ sơ trực tiếp.
Tại Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã ghi nhận sử dụng chữ ký số hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: nếu nộp hồ sơ bằng tài khoản đăng ký kinh doanh, người ký xác thực hồ sơ cần được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh; nếu nộp hồ sơ bằng chữ ký số công cộng, người ký xác thực hồ sơ cần được gán chữ ký số công cộng vào tài khoản.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: theo quy định sau 03 ngày làm việc sẽ có thông báo phản hồi về tình trạng xử lý hồ sơ qua email.
Việc đăng ký kinh doanh qua mạng nhằm đẩy mạnh trụ cột ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tăng điểm theo các tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0)
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện kinh doanh khi có nhu cầu muốn tìm hiểu đối tác, tổ chức, cá nhân có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc tại phòng đăng ký kinh doanh hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính của các loại hình doanh nghiệp được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải trả phí theo quy định. Quy định này có vai trò hỗ trợ cho các chủ thể khi tiến hành kinh doanh, giúp họ nắm bắt được thông tin của doanh nghiệp và hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin về nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý lao động, bảo hiểm xã hội… để những cơ quan này thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động đối với doanh nghiệp.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian tới
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 thủ tục hành chính (TTHC) trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước trên 12 lĩnh vực về ngân sách, đầu tư công, đất đai, giao thông đường bộ…
Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh từng bước được đưa vào vận hành. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Trên cơ sở kế thừa những thành quả đã đạt được, với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/05/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Như vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, cần:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng việc kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ quan có liên quan, nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Để đạt được liên thông trong chính phủ điện tử hiệu quả, nhất thiết cần phải giải quyết các bài toán liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, địa phương để việc tin học hóa các quy trình hành chính được đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Thứ hai, hộ kinh doanh là một chủ thể có số lượng lớn và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hoạch định chính sách. Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chưa có sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cấp huyện. Điều đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước không nắm bắt được thông tin kịp thời dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng các nghĩa vụ của các đối tượng này, đồng thời, gây khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá để từ đó xây dựng chính sách, quy định hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh. Vì vậy thời gian tới, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh để tiếp tục đơn giản hóa, cải thiện thủ tục hành chính đối với đối tượng này.
Thứ ba, nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hướng tích hợp với đăng ký hộ kinh doanh, thân thiện hơn với người dùng, áp dụng các hình thức đăng ký và cung cấp dịch vụ thông qua các nền tảng công nghệ, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục trực tuyến được thông suốt với hiệu quả cao nhất./.
Bình luận