Dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh: Khẳng định vai trò và phát triển hơn nữa khu vực này trong tương lai
Nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ trong quý IV/2023, ngày 10/10/2023 tại Hà Nội, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam (gọi tắt là ILO Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Xin ý kiến về dự thảo nghị định về hộ kinh doanh”.
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Ảnh: MPI |
Hoàn thiện thêm một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh
Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, thực nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định và lấy ý kiến của các bộ, ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời nhấn mạnh, khu vực hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng, có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng GDP.
Việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thêm một bước khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho người dân hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đăng ký hộ kinh doanh góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng tình với những quan điểm được ông Chí đưa ra, bà Gulmira Asanbaeva, Quyền Giám đốc ILO Việt Nam. Hộ kinh doanh là một khu vực quan trọng, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho nhiều lao động, đồng thời đóng góp đáng kể cho GDP. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn một số tồn tại, hạn chế về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, do đó cần lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để khẳng định vai trò và phát triển hơn nữa khu vực này trong tương lai.
Bà Gulmira Asanbaeva, Quyền Giám đốc ILO Việt Nam nhận định, hộ kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn một số tồn tại, hạn chế về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh. Ảnh: MPI |
Ông Kevin Sergeant, chuyên gia quốc tế của ILO tham gia trực tiếp Hội nghị đã thể hiện sự đồng tình cao của ILO về việc Việt Nam xây dựng nghị định riêng về hộ kinh doanh để phát triển khu vực này, đồng thời là cơ hội khắc phục những bất cập nhằm tạo môi trường thuận lợi kinh doanh cho đối tượng kinh doanh.
Khuyến nghị của ILO tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam là cần chuyển đổi khu vực kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức, trong đó, đối tượng hộ kinh doanh được xác định là chủ thể chính của chính sách.
Vị chuyên gia này cho hay, Kinh nghiệm quốc tế tại Hoa Kỳ, Philippin đã có quy định về doanh nghiệp cá thể. Việt Nam có thể nghiên cứu, so sánh, thiết kế cơ chế chính sách để dần chuyển dịch đối tượng hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp sau này.
Không cần thiết phải định nghĩa hộ kinh doanh là gì
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết: việc mô tả, giải thích hộ kinh doanh tại Dự thảo là khá hay, do cá nhân hoặc do đại diện đứng ra hoạt động kinh doanh, không cần thiết phải định nghĩa hộ kinh doanh là gì vì hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong việc xác định rõ nội hàm về hộ kinh doanh.
Trên thực tế, các hộ phi nông nghiệp tổ chức hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công,… để duy trì sinh kế. Đây là truyền thống từ xưa đến nay. Việc lựa chọn mô hình kinh doanh: cả cá nhân và các thành viên hộ kinh doanh… là khá phổ biến.
Về vấn đề định danh hộ kinh doanh, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica nhận định, Nghị định này khó xây dựng, vì phải xử lý một vấn đề do lịch sử để lại: khái niệm – quy định về hộ kinh doanh. Đây là giới hạn rất lớn cho cơ quan xây dựng dự thảo.
"Vấn đề đặt ra: làm sao thoát ly được quan niệm lịch sử để lại", vị chuyên gia này nêu vấn đề và chỉ rõ một số điểm khó khăn về hộ kinh doanh. Đó là chưa có quốc gia nào còn có luật hay nghị định về hộ kinh doanh, do đó không có kinh nghiệm quốc tế để tham khảo.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho hay, Trung Quốc đã cá thể hóa trách nhiệm của chủ thể doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, tổ chức và quyền lợi của họ; trong khi địa vị pháp lý của hộ kinh doanh nêu tại hai Phương án tại Dự thảo cũng chưa xác định được hộ kinh doanh là gì.
"Như vậy, chủ thể là cá nhân kinh doanh hay là hộ kinh doanh, cũng như quyền lợi, trách nhiệm ra sao và mối quan hệ của cá nhân đó với các thành viên trong gia đình như thế nào. Lợi ích lớn nhất từ việc quy định Nghị định này trong tương lai sẽ mang lại nền kinh tế ra sao", ông Bình nêu vấn đề.
Toàn cảnh Hội thảo. MPI |
Vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Nghị định
Về góc độ thuế, bà Tạ Thị Phương Lan (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, thuộc Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế xác định đối tượng hộ kinh doanh quy về một cá nhân cụ thể để tính thuế, không xem xét trách nhiệm của cả hộ kinh doanh và hộ gia đình. Do đó, phải làm rõ các vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, có trách nhiệm trong xử lý vi phạm trong kinh doanh.
Đồng thời, đại diện Tổng cục Thuế cũng đề nghị không nên quy định mức doanh thu hàng năm cụ thể là 100 triệu để xác định là đối tượng thu nhập thấp và đề nghị nghiên cứu thêm các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ… để quản lý các đối tượng cá nhân trong lĩnh vực này.
"Theo đó, cần liên thông các bộ ngành khác để quản lý, chia sẻ thông tin các đối tượng này theo hướng áp dụng nguyên tắc sử dụng định danh cá nhân", bà Lan đề xuất.
Ông Đào Ngọc Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Kế khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế) thì đề nghị cân nhắc tên dự thảo của Nghị định nên căn cứ đúng Điều 217, Luật Doanh nghiệp, theo đó, cần bổ sung những nội dung hoạt động của hộ kinh doanh, thay vì Nghị định đang quy định cụ thể về đăng ký hộ kinh doanh và bổ sung điều kiện hoạt động, nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên hộ kinh doanh….
Về phía các cơ quan trực tiếp cấp đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh tại cấp quận huyện và các Chi cục Thuế, bà Nguyễn Tuyết Mai (Phòng Tài chính – Kế hoạch Quận Thanh Xuân) cho biết, cụ thể thực tế có những hộ đăng ký theo hình thức tên hộ kinh doanh có các cụm từ như trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, nhà thuốc, câu lạc bộ… Bà đề nghị, Dự thảo Nghị định quy định rõ không cho đặt tên hộ khi có các cụm từ đặc thù như đã nêu.
"Có những trường hợp hộ gia đình cho thuê nhà ở thì không có quy định cụ thể là phải đăng ký hộ kinh doanh nhưng nếu hộ gia đình có nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh thì nên làm như thế nào. Do đó, đề nghị bổ sung tại Nghị định về ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh theo hướng không được phép kinh doanh ngành nghề bị cấm và được hoạt động các ngành nghề theo quy định của pháp luật chuyên ngành", bà Mai đề xuất.
Ông Lê Văn Mạnh, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đề nghị quy định rõ nghĩa vụ phải đăng ký hộ kinh doanh mà hộ không thực hiện đăng ký kinh doanh, đồng thời trường hợp hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh nhưng lại không có mã số thuế, do đó đề nghị có những quy định xử lý trường hợp này.
"Thêm nữa, cần có quy định bảo mật thông tin cá nhân của hộ kinh doanh khi mới thành lập để hạn chế bị rò rỉ thông tin này từ phía cơ quan quản lý nhà nước", ông Mạnh đề xuất./.
Bình luận