Tiếp tục “thúc” tiến độ chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC
Vẫn chậm chạp
Theo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, giai đoạn 2014-2015 sẽ có 20 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các bộ, ngành địa phương về SCIC.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2015, tiến độ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC chậm.
SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 980 doanh nghiệp (trong đó mới có 6 tổng công ty).
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC phối hợp với doanh nghiệp này khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 31/08/2015.
Tuy nhiên, tiến độ chuyển giao vẫn chậm. Đến tháng 11/2015, Bộ Xây dựng vẫn có công văn “xin” giữ quyền sở hữu vốn nhà nước của một số tổng công ty.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại 16 tổng công ty.
Trong đó, có các thương hiệu lớn như: Tổng công ty Viglacera; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama); Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi); Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (Viwaseen); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP và Tổng công ty xây dựng Hà Nội.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn dùng dằng, không muốn "trả lại" các doanh nghiệp này.
Lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là quá trình tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh (giai đoạn 2014-2020) theo Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 26/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ rất cần những tổng công ty đã cổ phần hóa có năng lực vượt trội.
Bộ Xây dựng kiến nghị: chỉ thực hiện việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng về SCIC sau năm 2020 để Bộ Xây dựng có cơ sở thực thi chiến lược phát triển của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng.
Tiếp tục “thúc” tiến độ
Trước sự chậm trễ trên, ngày 11/12/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phải ra văn bản chỉ đạo thúc tiến độ của việc chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC phối hợp với SCIC khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trên xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp, biểu quyết việc không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với SCIC thay thế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao SCIC phối hợp với các Bộ, UBND cấp tỉnh triển khai công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp (doanh nghiệp độc lập 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa) được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo quy định tại Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao, cơ quan đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp này phải xử lý dứt điểm các tồn tại theo quy định của pháp luật mới thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và phải xác định rõ, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật để gây ra tổn thất cho Nhà nước (nếu có).
Đối với đề nghị của các bộ: Công Thương, Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ này chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do mình quản lý khẩn trương xây dựng lộ trình thoái vốn giai đoạn 2016-2020 gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/01/2016.
Bộ Tài chính chính nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành của các bộ, các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai (công ty nông, lâm nghiệp). Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2015./.
Bình luận