Tổng quan các doanh nghiệp dẫn đầu ngành vật liệu xây dựng

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty vật liệu xây dựng năm 2024 cùng Danh sách các doanh nghiệp thuộc Top dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất các nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng vừa được Vietnam Report chính thức công bố, đã khái quá hóa bức tranh tổng quan về các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay. Đây là các doanh nghiệp trụ cột của ngành VLXD đã và đang nỗ lực đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn từ sự suy giảm nguồn cung bắt đầu từ năm 2019, hệ lụy của đại dịch Covid-19 cho tới những bất ổn địa chính trị trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá nguyên vật liệu… trong suốt 3 năm vừa qua.

Top 10 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2024

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report

Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2024 – Nhóm sản phẩm: Sắt, thép, tôn

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report

Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2024 – Nhóm sản phẩm: Gạch, đá ốp lát

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report

Top 5 Công ty Vật liệu xây dựng năm 2024 – Nhóm sản phẩm: Cửa-tấm profile-vách ngăn: nhựa, nhôm kính, thạch cao

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report

Bức tranh tối màu ngành VLXD năm 2023

Nằm trong mắt xích cuối của chuỗi giá trị Bất động sản – Xây dựng – VLXD, ngành VLXD liên quan mật thiết đến các ngành tại mắt xích phía trên và nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô khi các ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Thị trường VLXD ảm đạm từ cuối năm 2022 ngay sau khi những tín hiệu xấu trên thị trường bất động sản xuất hiện. Bất chấp những nỗ lực vực dậy thị trường từ các bên liên quan trong năm 2023, thị trường bất động sản vẫn trải qua một năm khó khăn. Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, nhu cầu thị trường giảm khiến nhiều doanh nghiệp VLXD tiếp tục một năm kinh doanh kém hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, thậm chí một số doanh nghiệp buộc phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, phần lớn các mặt hàng VLXD đều ghi nhận mức suy giảm so với năm 2022 về cả sản lượng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất năm 2023 ước đạt 89,4 triệu tấn, giảm 5,45%; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%; trong đó, tiêu dùng nội địa giảm 10% và xuất khẩu gần như đi ngang. Sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt 386,5 triệu m2, giảm 15%; lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25%. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm 25% so với năm 2022. Vật liệu kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022.

Khảo sát về kết quả kinh doanh của nhóm công ty đại chúng ngành VLXD được thực hiện bởi Vietnam Report cho thấy, cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều giảm trong năm 2023. Cụ thể, về doanh thu, có đến 46,9% số doanh nghiệp có tổng doanh thu giảm dưới 25,0%, đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu giảm sâu trên 25% lên tới 31,6%. Lợi nhuận của các doanh nghiệp lại có gam màu tối hơn nữa khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức giảm lớn hơn 25,0% tiếp tục gia tăng, trong khi tỷ lệ này của các năm trước cũng đáng báo động. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tăng 23,8% so với năm 2022. Sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cho thấy, thị trường đã chững lại sau thời kỳ tăng trưởng nóng ở nửa đầu năm 2022, tiếp nối sự ảm đạm trong suốt năm 2023 và dự báo sẽ khó có bước lội ngược dòng trong nửa đầu năm 2024 theo đánh giá của phần lớn chuyên gia trong ngành tham gia phỏng vấn với Vietnam Report.

Biến động doanh thu, lợi nhuận nhóm công ty đại chúng ngành Vật liệu xây dựng

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Nguồn: Vietnam Report

Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng cao dù thị trường ảm đạm. Xét trên chỉ số giá nhà ở và VLXD, giá nhà ở và VLXD có xu hướng tăng, chỉ có hai đợt chỉ số đi xuống vào cuối năm 2021 và giữa năm 2023. Đến tháng 03/2024, giá nhà ở và VLXD đã tăng trung bình 21,0% so với thời kỳ gốc tháng 01/2019. Biến động giá mạnh nhất thuộc về mặt hàng thép xây dựng. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), có thời điểm giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn trong qíu I/2023. Trong quý IV/2023, giá thép đã giảm xuống mức 13,5 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và quay trở lại xu hướng tăng trong ba tháng đầu năm 2024.

Mặt hàng xi măng sau các đợt tăng giá liên tiếp trong năm 2022, thì hiện nay đang giữ ổn định. Giá xi măng tại khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn do chi phí vận chuyển và số lượng nhà máy sản xuất ít hơn. Riêng với vật liệu đắp nền đường các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam, do địa hình thấp nên nhu cầu vật liệu đắp nền lớn nhưng nguồn cung lại không thể đáp ứng. Giá VLXD tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của các công trình, khiến giá bất động sản cũng tăng theo. Việc giá vật liệu biến động liên tục cũng gây gián đoạn tiến độ thi công do đội vốn, buộc chủ đầu tư và nhà thầu phải tính toán lại chi phí xây dựng.

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Vietnam Report

Những khó khăn tiếp diễn

Hàng loạt khó khăn tiếp diễn cho thấy những thách thức lớn mà cộng đồng doanh nghiệp VLXD đã đối mặt trong năm 2023 vẫn còn hiện diện, mức độ có thay đổi nhưng vẫn là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải. Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp do VNR thực hiện, trước hết, tình trạng hạn chế tài chính của người mua do kinh tế tăng trưởng chậm ghi nhận mức tăng 14,6% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 dừng lại ở mức 5,05%, cùng với triển vọng về mức độ phục hồi trong năm 2024 không quá mạnh mẽ cho thấy, tổng cầu của nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện, hoạt động chi trả cho bất động sản và VLXD giảm rõ rệt. Khi thoát khỏi thời kỳ VLXD “bão giá”, những lo ngại về biến động giá nguyên vật liệu, VLXD cũng giảm bớt (-30,8%) mặc dù giá VLXD vẫn tiếp diễn xu hướng tăng. Bất cân xứng cung-cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá VLXD và đã trở thành khó khăn có tỷ lệ tăng lớn nhất (+36,2%).

Đối với thị trường xi măng, các nhà máy đã đầu tư có công suất 117 triệu tấn/năm và có thể sản xuất trên 130 triệu tấn/năm. Trong khi tổng lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm chưa tới 50% công suất thiết kế; nếu tính chung cả lượng xuất khẩu, tổng lượng tiêu thụ mới chỉ dừng lại ở mức 75%. Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, lượng tiêu thụ xi măng tại các quốc gia giai đoạn tăng trưởng nhanh ở mức 1.000 kg/người/năm. Thậm chí, Trung Quốc cũng duy trì nhu cầu xi măng trong một giai đoạn dài khoảng 1.600-1.700 kg/người/năm và hiện nay cũng khoảng 1.200-1.300 kg/người/năm. Số liệu trên cho thấy, lượng tiêu thụ xi măng nội địa đang mức rất thấp đối với quốc gia 100 triệu dân. Lượng dư cung sẽ đẩy áp lực lớn đến kênh xuất khẩu nếu tiêu thụ trong nước chưa thể tăng nhanh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thuế xuất khẩu clinker đã tăng từ 5% lên 10% từ ngày 01/01/2023. Thực tế cho thấy, clinker được sản xuất bằng công nghệ cao, qua nhiều công đoạn với chi phí đầu tư lớn, việc coi xuất khẩu clinker là xuất khẩu nguyên liệu thô cũng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xi măng tại thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh dư cung hiện tại.

Đáng chú ý, đối với thị trường thép, các con số lại cho thấy chiều hướng ngược lại. Dù không thoát khỏi tình cảnh chung là sản lượng sản xuất sụt giảm, nhưng lượng sản xuất lại thấp hơn lượng tiêu thụ trong nước, tức cung đang thấp hơn cầu. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 80 triệu tấn thép, nhưng nhập khẩu lên tới 133 triệu tấn, nếu quy ra giá trị, con số thâm hụt cán cân sẽ còn cao hơn, bởi lượng lớn sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam là thép chế tạo, có giá thành và hàm lượng giá trị cao hơn. Thị trường thép Việt Nam đang bỏ ngỏ một phân khúc vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến sản xuất VLXD, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp tiêu thụ lượng thép lớn như sản xuất ô tô.

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report, tổng hợp khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2023 và tháng 2/2024

Một khó khăn tiếp theo trong thời kỳ dịch bệnh đã quay trở lại là đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế với tỷ lệ doanh nghiệp phàn hồi khảo sát tăng 26,2%. Nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị, các tàu chở container từ châu Á sang châu Mỹ và châu Âu phải di chuyển xa hơn để tránh các vùng biển nguy hiểm, làm giảm số lượng hàng hóa vận chuyển, đồng thời có thể đẩy giá cước tàu biển lên gấp đôi. Cùng với thuế xuất khẩu áp với một số mặt hàng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ngặt nghèo tại các thị trường phát triển sẽ trở thành rào cản, khó khăn lớn hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu VLXD của Việt Nam.

Ngoài ra, áp lực đối với ngành VLXD của Việt Nam đến từ thị trường Trung Quốc. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu VLXD lớn của Việt Nam, nhưng ngành bất động sản tại quốc gia này đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài, sản xuất công nghiệp dư cung, nền kinh tế xảy ra tình trạng giảm phát. Trước tình cảnh đó, xuất khẩu VLXD của Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2023, tổng lượng xi măng và clinker nhập khẩu vào Trung Quốc giảm lần lượt 88,1% và 94,8%. Trong khi hầu hết lượng clinker nhập khẩu đến từ Việt Nam, chiếm 98,6% tổng lượng nhập khẩu. Không dừng lại ở đó, lượng dư cung tại Trung Quốc buộc quốc gia này giảm giá và đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc tiến xa hơn trong cuộc đua cạnh tranh không chỉ tại các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam, mà còn ngay tại thị trường trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng (trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay…), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Tuy nhiên trên thực tế đối với hoạt động của ngành VLXD vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Như vậy, khó khăn lớn nhất đối với ngành VLXD hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm giảm, nếu doanh nghiệp cứ sản xuất để sản phẩm tồn kho, thì sẽ đi đến phá sản, do đó dù các ngân hàng có “hạ lãi suất, mở rộng điều kiện cho vay” thì doanh nghiệp vẫn khó khăn. Hơn nữa, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, chính sách đã được Chính phủ ban hành chưa thật sự đi vào cuộc sống, một số doanh nghiệp cần vay vốn vẫn không tiếp cận được vì không được thế chấp bằng sản phẩm được hình thành từ nguồn vốn vay là sản phẩm vật liệu xây dựng.

Triển vọng năm 2024: chưa xuất hiện cú hích

Khảo sát doanh nghiệp VLXD của Vietnam Report cho thấy, năm vừa qua, năm động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh là Uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường (92,3%); Ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý và vận hành (61,5%); Phát triển các dòng sản phẩm mới, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh (53,8%); Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (46,2%); Sẵn đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỷ luật cao (46,2%). Top 5 động lực lớn nhất đều thuộc yếu tố bên trong doanh nghiệp. Trong số 3 động lực bên ngoài, Đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được cải thiện trở thành động lực lớn nhất đóng góp vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp VLXD trong 12 tháng tới với tỷ lệ 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

“Lực đẩy” lớn cho thị trường VLXD đến từ những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Bởi từ những tháng cuối năm 2023, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường. Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung VLXD và có thể dư hơn nữa nếu các doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất thiết kế. Vì vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tín hiệu phục hồi còn mờ nhạt, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Vietnam Report, tổng hợp khảo sát các doanh nghiệp VLXD, tháng 2/2023 và tháng 2/2024

Nhận định về xu hướng thời gian tới, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cho rằng, những tín hiệu phục hồi cho thị trường VLXD còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành VLXD vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường VLXD lội ngược dòng trong ngắn hạn. Chỉ khi nào bước qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế, các điểm nghẽn trên thị trường được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản tăng trở lại hứa hẹn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ và ổn định của ngành VLXD.

Đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những tín hiệu tích cực về ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về, tạo đà bứt phá cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi dòng vốn này thành hiện thực, thì hoạt động triển khai các dự án cũng phải đến giữa năm sau mới sôi động. Cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, có rất ít tác động đến thị trường VLXD.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản và từ đó đưa thị trường VLXD bật tăng trở lại./.