Tóm tắt

Bài viết đề cập các điều kiện cho tổ chức không gian kinh tế tỉnh Lâm Đồng thông qua việc đánh giá các nhân tố cơ bản bao gồm: Vị trí chiến lược; Tài nguyên thiên nhiên và khí hậu; Lợi thế đất đai và không gian; Tài nguyên du lịch; Dân cư và lao động; Kết cấu hạ tầng và năng lực huy động vốn; Quy mô và trình độ kinh tế. Cùng với việc phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, tác giả giới thiệu chi tiết khung tổ chức không gian kinh tế của địa phương phân theo các giai đoạn 2021-2020 và tầm nhìn 2045-2050, góp phần làm nền tảng cho quản lý, thu hút nguồn lực và phát triển địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: tổ chức không gian kinh tế, tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên

Summary

The article discusses the conditions for the organization of economic space in Lam Dong province through assessing the basic factors including Strategic location; Natural resources and climate; Land and space advantages; Travel resources; Population and labor; Infrastructure and capital mobilization capacity; Economic scale and development. Along with the analysis of strengths, weaknesses, opportunities and threats, the author introduces in detail the organizational framework of the local economic space for the period 2021-2020 with a vision to 2045-2050, contributing to form the foundations for the local management, resource mobilization and development in the coming time.

Keywords: economic spatial organization, Lam Dong province, Central Highlands

NHỮNG ĐIỀU KIỆN CHO TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ TỈNH LÂM ĐỒNG

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, nằm giữa 3 vùng kinh tế lớn là vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, ở độ cao từ 300 m đến 1.500 m so với mặt nước biển. Tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành khu kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn của Tỉnh cho sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương, làm cơ sở cho việc quản lý và đầu tư phát triển, thì việc tổ chức không gian kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Lâm Đồng và Vùng Tây Nguyên.

Là địa phương có vị trí chiến lược với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lâm Đồng có đầy đủ các điều kiện đáp ứng cho tổ chức không gian kinh tế. Cụ thể:

Vị trí chiến lược: Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có mối quan hệ gắn bó với vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Khoảng cách từ tỉnh Lâm Đồng đến các trung tâm kinh tế và có sức hút lớn lân cận khá tốt: cách TP. Hồ Chí Minh 300 km, cách Khánh Hòa 100 km, Ninh Thuận 110 km, Bình Thuận 220 km, Buôn Mê Thuột - Trung tâm vùng Tây Nguyên 210 km. Ngoài ra, sân bay quốc tế Liên Khương là cửa khẩu kết nối tỉnh Lâm Đồng với cả nước và các nước trên thế giới. Hơn nữa, Lâm Đồng còn là 1 cửa ngõ nằm trên tuyến đường của các tỉnh Nam Tây Nguyên thông ra biển.

Khí hậu thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản giàu có: Lâm Đồng có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, bao gồm: bauxite, đá granite, than bùn, trong đó, nổi bật nhất là quặng bauxite với trữ lượng trên 1 tỷ tấn. Tỉnh hiện có 381 điểm quặng và các mỏ vàng, 7 điểm saphi, 38 điểm mỏ nước khoáng tại các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Cát Tiên và Đạ Huoai.

Lợi thế đất đai và không gian: Lâm Đồng có tiềm năng, lợi thế về diện tích đất đai và không gian cho nhu cầu phát triển các ngành và lĩnh vực, đặc biệt là quỹ đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của riêng Lâm Đồng, như: hoa, rau củ quả, chăn nuôi bò sữa, cây ăn quả, dược liệu; các cây công nghiệp, như: chè, cà phê, dâu tằm. Ngoài ra, quỹ đất phi nông nghiệp khá tập trung, phân bố dọc Quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc, rất thuận lợi cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và kết cấu hạ tầng. Nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, nên Lâm Đồng có nguồn tài nguyên nước rất phong phú và tiềm năng thủy điện rất lớn.

Lâm sản phong phú, độ che phủ rừng lớn: Lâm Đồng có trên 538,741 hecta đất rừng với độ che phủ 55% diện tích toàn Tỉnh. Rừng của Lâm Đồng đa dạng, với hơn 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có một số loại gỗ quý, như: pơ mu xanh, cẩm lai... Rừng Lâm Đồng có vai trò lớn trong việc bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu và là tiềm năng phát triển du lịch và phát triển công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản.

Tài nguyên du lịch giàu có, đa dạng, phong phú: Cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn tài nguyên du lịch của Lâm Đồng cũng rất phong phú, giàu tiềm năng, rất thuận lợi cho việc phát triển thành trung tâm du lịch cấp quốc gia và vươn tầm quốc tế, với đầy đủ các yếu tố, gồm: điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, nhiều di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh nổi tiếng, như: các thác nước, các vườn quốc gia (Cát Tiên 27.228 hecta, Bidoup Núi Bà 6.9663 hecta). Có 2 sản phẩm độc đáo của Tỉnh hiện nay đã được UNESCO công nhận, đó là: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang”.

Dân cư, lao động và đô thị hóa: Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, dân số của Tỉnh năm 2020 là 1.309.792 người, đứng thứ 23 về dân số trên cả nước. Trong đó, dân số đô thị là 514.205 người, chiếm gần 40% tổng dân số toàn Tỉnh. Lâm Đồng cũng là Tỉnh duy nhất thuộc vùng Tây Nguyên có 2 thành phố và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng Tây Nguyên và cao hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Ngoài dân cư thường trú, dân số tạm trú của tỉnh Lâm Đồng khá lớn, bao gồm: lực lượng vũ trang, các công dân nước ngoài định cư. Bên cạnh đó, địa phương cũng thu hút hàng triệu du khách và học sinh, sinh viên đến học tập.

Kết cấu hạ tầng đồng bộ, năng lực huy động vốn cao: Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, như: du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo đã được đầu tư xây dựng hướng tới đồng bộ và hiện đại là yếu tố quan trong thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.

Khả năng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó, có luồng vốn FDI là rất lớn, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng số vốn đầu tư. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng, khi Tỉnh chủ động cải thiện môi trường đầu tư trong những năm tới.

Nền kinh tế Lâm Đồng phát triển khá: Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, năm 2020, tổng GRDP của Tỉnh đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố; GRDP/người đứng thứ 18 và tốc độ tăng trưởng đứng thứ 26 so với cả nước. Các chỉ số kinh tế trên đã và đang tạo tiền đề tích cực cho việc xây dựng Lâm Đồng trở thành Tỉnh phát triển khá của cả nước và trở thành một trong những khu vực có vai trò động lực phát triển của vùng Tây Nguyên.

Tác động của kinh tế số, xu thế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ là tiền đề tạo ra sự đổi mới, sáng tạo, đang được tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai. Đây là nhân tố mới thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

XÁC ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ

Để xác định các vấn đề cần giải quyết trong tổ chức không gian kinh tế tỉnh Lâm Đồng cần dựa trên điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Với mục tiêu đó, bài viết tiến hành phân tích SWOT để xác định rõ các nhân tố này, làm cơ sở cho việc nhận diện các tiềm năng, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra.

Về điểm mạnh

(1) Vị trí chiến lược rất quan trọng.

(2) Điều kiện tự nhiên thuận lợi, phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị, nông thôn và công nghiệp; Lượng nước dồi dào, có lợi thế rất lớn cho nông nghiệp, thủy điện và khả năng phát triển cá nước ngọt tại các hồ thủy điện.

(3) Tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, độc đáo đa dạng đáp ứng phát triển du lịch bền vững. Là trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của cả nước.

(4) Quy mô dân số ở mức khá, trong đó, dân số tạm trú chiếm tỷ lệ đáng kể; lực lượng lao động qua đào tạo đạt tỷ lệ cao 70%; đạt tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng Tây Nguyên.

(5) Kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại hóa và đồng bộ.

(6) Kinh tế phát triển khá: Khả năng huy động vốn cao. Nền kinh tế phát triển khá so với cả nước, là một trong những tỉnh đi đầu về sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.

(7) Vận dụng công nghệ 4.0, phát triển kinh tế số được quan tâm khuyến khích.

(8) Các thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới và giai đoạn 2015-2020 là đáng kể.

HÌNH: BẢN ĐỒ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC KHÔNG GIAN VÀ PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG

Tổ chức không gian kinh tế tỉnh Lâm Đồng
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021a)

Về điểm yếu

(1) Địa hình tự nhiên phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng và giao thông vận tải.

(2) Các tài nguyên du lịch bị khai thác quá tải, tỷ lệ đất rừng đang dần giảm nhẹ.

(3) Nguy cơ phát triển không bền vững của thành phố du lịch Đà Lạt và sự suy giảm độ hấp dẫn do các tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

(4) Kết cấu hạ tầng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ và hiện đại. Xa cảng biển, không có đường sắt kết nối với các địa phương khác.

(5) Các tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy, khai thác sử dụng hiệu quả.

(6) Liên kết kết cấu hạ tầng giao thông vùng còn hạn chế.

(7) Quy mô kinh tế chưa đủ lớn, nguồn lực ngân sách hạn hẹp, lực lượng lao động tay nghề cao còn thiếu; chưa cân đối được ngân sách.

(8) Chênh lệch phát triển giữa các vùng, liên kết đô thị nông thôn hạn chế.

Về cơ hội

(1) Nằm ở phía Nam vùng Tây Nguyên, điểm kết nối giữa 3 vùng: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

(2) Được xác định là vùng nông nghiệp công nghệ cao và là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là một hạt nhân vùng du lịch Tây Nguyên, gắn kết với vùng Duyên hải miền Trung. Có cơ hội trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới.

(3) Kết cấu hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Lâm Đồng với vùng, quốc gia, quốc tế đang được đầu tư.

(4) Xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế và sự gia tăng các vùng có vốn đầu tư FDI.

(5) Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của kinh tế số.

(6) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước 10 năm (2021-2030) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển của địa phương.

Về thách thức

(1) Bối cảnh quốc tế phức tạp.

(2) Tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

(3) Cạnh tranh quyết liệt về thu hút đầu tư với các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

(4) Quá độ chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư, đổi mới sáng tạo và tiếp cận thị trường dẫn đến thay đổi tư duy, cách làm và loại bỏ một số ngành nghề truyền thống.

(5) Mâu thuẫn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tác động ô nhiễm môi trường, biển đổi khí hậu và sự can thiệp bất hợp lý vào môi trường tự nhiên.

(6) Tái nhận dạng địa kinh tế “mật độ, khoảng cách và chia cắt”.

TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ TỈNH LÂM ĐỒNG THỜI KỲ 2021- 2030, TẦM NHÌN 2050

Từ những điều kiện thuận lợi và hạn chế nói trên, có thể thực hiện tổ chức không gian kinh tế tỉnh Lâm Đồng phân theo giai đoạn từ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, làm tiền đề cho việc quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược phát triển Tỉnh; góp phần loại bỏ sự chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn, phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh.

Giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

Cấu trúc không gian tỉnh Lâm Đồng chia thành 3 vùng chức năng xây dựng đô thị, trong đó tiểu vùng I xác định theo Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 3 tiểu vùng xây dựng đô thị cụ thể là: Tiểu vùng 1: Đà Lạt - Lạc Dương - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà), trong đó, TP. Đà Lạt là trung tâm của Tiểu vùng 1; Tiểu vùng 2: Di Linh - Đam Rông - Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh), trong đó, thị trấn Di Linh sẽ là trung tâm hạt nhân của Tiểu vùng 2; Tiểu vùng 3: Bảo Lộc - Bảo Lâm - Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên, trong đó, TP. Bảo Lộc là trung tâm của Tiểu vùng 3 (Hình).

Đến năm 2030, số lượng đô thị tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng lên 25 đô thị, với 3 đô thị hạt nhân là trung tâm của 3 tiểu vùng gồm: TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc, thị trấn Di Linh. Nâng cấp huyện Đức Trọng lên thị xã; nâng xếp loại từ loại V lên loại IV cho một số thị trấn huyện lỵ và phát triển mới, một số thị trấn công nông nghiệp, dịch vụ giữ vai trò là trung tâm các cụm xã.

Phát triển 5 Hành lang kinh tế, bao gồm: Hành lang kinh tế Đông - Tây (cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, cao tốc Đà Lạt - Cam Ranh; Quốc lộ 20 - Quốc lộ 27C kết nối TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng- Khánh Hòa); Hành lang kinh tế Đông - Tây (đường tỉnh 725, đường tỉnh 721, đường Trường Sơn Đông kéo dài); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 28 kết nối Đắk Nông - Di Linh (Lâm Đồng) - Bình Thuận); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 27 kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và Quốc lộ 28B kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 55 kết nối Đắk Nông - Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Bình Thuận; Quốc lộ 55B kết nối Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận).

Giai đoạn 2045-2050: Trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương

Khu vực nội thành của địa phương gồm: TP. Đà Lạt và 5 xã thuộc Lâm Hà, TP. Bảo Lộc, huyện Đức Trọng. Khu vực ngoại thành gồm: 4 thị xã mới (Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Lạc Dương), 5 huyện (Đam Rông, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai).

Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ kết nối liên vùng và địa phương lân cận, gồm:

- Các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước được kết nối với tỉnh Lâm Đồng thông qua sân bay quốc tế tại huyện Đức Trọng. Trong đó, có sân bay Liên Khương có đường bay dài 3.250 m, rộng 48 m. Cảng hàng không Liên Khương nâng cấp lên cấp độ 4E, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa thiên Huế, Vinh, Hải Phòng, Hà Nội, TP. Cần Thơ, đảo Phú Quốc, Thanh Hóa và với các sân bay quốc tế: Vũ Hán (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia).

- Phương thức kết nối vận tải đường sắt thông qua trục tuyến đường sắt quốc gia Đà Lạt - Tháp Chàm.

- Các quốc lộ và đường cao tốc gồm: 20, 27, 28, 28B, 55, 27C và một số đường tỉnh lộ (721, 722, 724, 725) cho phép kết nối tỉnh Lâm Đồng với vùng và các tỉnh láng giềng, như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

- Tỉnh Lâm Đồng là nơi đầu nguồn của hệ thống các sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Đa Nhim, nên việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và nguồn nước có ý nghĩa sống còn.

Các hoạt động không gian kinh tế xã hội được phân bố và tổ chức dựa trên cấu trúc lãnh thổ gồm: (1) 3 tiểu vùng, gắn với 3 cao nguyên: Lang Biang, Di Linh và Bảo Lộc, trong đó, TP. Đà Lạt là hạt nhân của Tiểu vùng 1; TP. Bảo Lộc là hạt nhân của Tiểu vùng 2 và thị trấn Di Linh là hạt nhân của Tiểu vùng 3; (2) Hệ thống các trung tâm thu hút chính gồm 22 đô thị, trong đó, có 2 thành phố là: Đà Lạt và Bảo Lộc, 9 thị trấn huyện lỵ và 11 thị trấn vệ tinh hoặc chuyên ngành sẽ được nâng cấp theo kế hoạch; (3) Các hành lang Đông Tây gồm: Quốc lộ 20, 2 đường cao tốc Quốc lộ 27C và các đường tỉnh lộ 725, 721 và Quốc lộ 55; (4) Các hành lang Bắc - Nam, các quốc lộ: 27, 28, 55 và cao tốc đi Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Từng bước, tái cấu trúc tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương./.

NGUYỄN ĐĂNG TOÀN - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đại Á Đông

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021a), Báo cáo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng phát triển và phương hướng sắp xếp, phân bố không gian tại vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021b), Báo cáo khung chiến lược ưu tiên phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam.

4. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng (2021), Niên giám Thống kê tỉnh Lâm Đồng năm 2020, Nxb Thống kê.

5. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

7. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 09/01/2023 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám Thống kê năm 2020, Nxb Thống kê.

9. Tổng cục Thống Kê (2020), Dự báo Dân số Việt Nam 2019-2069, Nxb Thông tấn.