Tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không vượt quá 30%
Cụ thể, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, như sau:
Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%. Ảnh: Internet
Với phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định, thì doanh nghiệp được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại Điểm a nêu trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Quy định trên không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).
Nghị định số 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019. Đồng thời, cho phép hồi tố áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay cho trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay).
Cụ thể, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế phải nộp. Căn cứ vào đề nghị của người nộp thuế và các hồ sơ, tài liệu có liên quan, cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch theo quy định.
Việc xác định lại số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, không thực hiện thanh tra, kiểm tra lại tại trụ sở người nộp thuế, không thực hiện điều chỉnh lại kết luận và quyết định thanh tra năm 2017-2018. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế./.
Bình luận