Trước đó, ngày 6/11, Thủ tướng đã chấp thuận phương án 2 của Bộ Tài chính đề xuất lên trong tổng số 3 phương án tăng lương. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, tiền lương và trợ cấp sẽ được tăng bình quân 8% cho 3 nhóm đối tượng là người nghỉ hưu, người có công và cán bộ viên chức, công chức thuộc lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, cụ thể là có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, tương ứng bậc 1, bậc 2.

3 phương án tăng lương được đề xuất

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng. Tổng kinh phí cho việc tăng thêm khoảng 33.000 tỉ đồng.

Phương án 2: Chỉ tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, tổng kinh phí tăng thêm khoảng 11.000 tỉ đồng.

Phương án 3: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%. Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6.700 tỉ đồng.

Ước tính, nếu tăng 8%, mỗi người hưởng lương hưu sẽ có thêm khoảng 272.800 đồng/tháng/người.

Nếu tính chung cả 3 nhóm đối tượng được tăng lương là khoảng 5 triệu người, chiếm 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Mức lương được điều chỉnh tăng là 8%, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Bộ Tài chính tính toán, nhu cầu kinh phí tăng thêm để tăng lương năm 2015 khoảng 11.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nợ công tăng cao, chi thường xuyên lên tới 67% là quá lãng phí, lớn hơn cả chi cho đầu tư phát triển nhiều lần. Vì vậy, cách tốt nhất để có nguồn tiền tăng lương là cần phải cắt giảm chi thường xuyên. Nhiều ý kiến đã bày tỏ, nên cắt 10% phần chi này để dành cho tăng lương.

Đánh giá về việc tăng lương, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây sẽ là niềm vui rất lớn đối với những người có thu nhập thấp và đời sống khó khăn, đặc biệt là đối tượng người về hưu và đối tượng người có công. Việc tăng lương này cũng trong lộ trình nhưng nguồn ngân sách để tăng lương rất khó khăn.

Vì thế, “việc Chính phủ chi 11.100 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu tăng lương, theo đánh giá của tôi, là quyết định kịp thời”, đại biểu Cương nhận xét.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ thái độ đồng tình với đề xuất tăng lương thêm 8% cho người thu nhập thấp. Ông Lịch lấy ví dụ, có những cấp dưới của ông, nếu lương tối thiểu tăng 100.000 đồng/bậc thì mỗi tháng số tiền được lĩnh thêm chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng đây thực sự là nguồn động viên cho những người làm công ăn lương, nhất là cán bộ mới ra trường hệ số lương ngân sách ở mức khởi điểm thấp nhất.

Cũng theo ông Trần Du Lịch, về lâu dài, cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ 2 chặt chẽ hơn và gắn với cải cách hành chính công. Chúng ta phải cải cách hành chính để việc của 10 người nhưng 6 - 7 người vẫn đảm đương được. Chỉ có tinh giản được bộ máy thì mới có nguồn để tăng lương./.