Vai trò của minh bạch thông tin trong đăng ký kinh doanh
Việc thực hiện ĐKKD tại cơ quan ĐKKD đồng nghĩa với việc các thông tin có giá trị pháp lý liên quan tới doanh nghiệp sẽ được công bố và có thể truy cập một cách công khai. Ảnh minh họa |
Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) để thành lập pháp nhân là việc chủ doanh nghiệp thực hiện một quy trình chuẩn để thành lập doanh nghiệp. Đăng ký doanh nghiệp bao gồm đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung ĐKKD của doanh nghiệp đang hoạt động, ví dụ như: thay đổi địa chỉ trụ sở chính, thay đổi cơ cấu sở hữu và đăng ký giải thể. Quan trọng hơn, việc thực hiện ĐKKD tại cơ quan ĐKKD đồng nghĩa với việc các thông tin có giá trị pháp lý liên quan tới doanh nghiệp sẽ được công bố và có thể truy cập một cách công khai. Như vậy, cơ quan đăng ký là một công cụ nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động làm ăn và ký kết với đối tác của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan ĐKKD tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty trong nền kinh tế và thường là tổ chức công đầu tiên mà các doanh nhân tương tác. Tương tác đầu tiên này có thể có tác động hình thành đến nhận thức của doanh nhân về hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.
Thật vậy, mức độ minh bạch và niềm tin trong một nền kinh tế có mối tương quan cao với mức độ minh bạch của thông tin tại cơ quan ĐKKD. Khi thông tin đăng ký doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập và có thể được tìm kiếm từ xa, nó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh bằng cách loại bỏ các bước không cần thiết và giảm chi phí giao dịch.
Mức độ minh bạch của thông tin tại các cơ quan ĐKKD cũng gắn liền với thời gian và chi phí để thành lập doanh nghiệp. Dữ liệu cho thấy, tính trung bình, các nền kinh tế có thông tin minh bạch hơn có xu hướng có quy trình khởi nghiệp nhanh hơn và ít tốn kém hơn.
Sự minh bạch trong ĐKKD có thể làm tăng trách nhiệm giải trình của các công ty và các cơ quan nhà nước. Bằng cách cải thiện khả năng dự đoán của các giao dịch, tính minh bạch cũng có thể mang lại lợi ích cho các tổ chức tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, vì giúp họ dễ dàng tiếp cận thu thập thông tin cần thiết để tuân thủ hiệu quả các yêu cầu thẩm định. Cơ quan đăng ký với các yêu cầu được quy định rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đăng ký và xác minh thông tin. Có xu hướng tồn tại một nền văn hóa cạnh tranh lớn hơn và tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế, nơi các đối tượng tham gia thị trường dễ dàng hơn.
Chi phí tài chính của việc thiếu minh bạch dữ liệu có thể rất đáng kể. Chỉ riêng trong năm 2011, ước tính các nền kinh tế đang phát triển phải gánh chịu gần 1 nghìn tỷ đô la từ các luồng tài chính bất hợp pháp. Dữ liệu minh bạch về quyền sở hữu công ty rất quan trọng trong việc chống rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Khuyến nghị 24 của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính quốc tế (FATF) cho rằng, các quốc gia cần sử dụng kết hợp nhiều cơ chế để đạt được mục tiêu này. Một số khuyến nghị của FATF về cơ chế quản lý thông tin có thể áp dụng đối với cơ quan ĐKKD ở Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp, kiến thức về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch hóa thông tin chủ sở hữu và những tác hại đối với chính doanh nghiệp, nếu thông tin của doanh nghiệp không được cập nhật đầy đủ, chính xác.
Thứ hai, nghiên cứu, nâng cấp Hệ thống ĐKKD của doanh nghiệp, phát triển các công cụ hỗ trợ kê khai thông tin, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin đa dạng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cung cấp, cập nhật thông tin.
Thứ ba, xây dựng cơ chế để đảm bảo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cung cấp cho cơ quan ĐKKD là chính xác và cập nhật nhất. Cơ chế xác minh thông tin vừa phải đảm bảo tính chính xác và vừa đảm bảo không tạo thêm điều kiện đối với doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm đối với những trường hợp không tuân thủ các yêu cầu về công bố và cập nhật thông tin.
Thứ năm, thực hiện mở rộng liên thông dữ liệu, thông tin điện tử tự động giữa các cơ quan, để kịp thời cung cấp thông tin phục vụ việc giám sát các hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hợp nhất các trường dữ liệu về thông tin doanh nghiệp, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm./.
Bình luận