Nhận định trên được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo" Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển" do Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức vào ngày 10/04/2018.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo "Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển?"

Logistics có bỏ lỡ cơ hội phát triển khi thương mại điện tử tăng trưởng 25%?

Thương mại điện tử hiện đang là một xu thế chủ đạo của nền thương mại toàn cầu. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong 3 năm tiếp theo (2018-2020). Hiện nay, hàng loạt các tên tuổi lớn của thương mại điện tử thế giới đang cạnh tranh và đầu tư vào Việt Nam, như: Alibaba, Lazada… cùng sự đầu tư mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử trong nước và các tập đoàn lớn, như: VinGroup với Adayroi, FPT với Sendo.vn, Thế giới di động với vuivui.com… tạo nên thị trường rất sôi động.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử.

Song thực tế hiện nay, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics sẽ làm mất đi cơ hội cho các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian vừa qua mặc dù đã có sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics, nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn, như: chưa có Luật về E-Logistics (dịch vụ hậu cần điện tử), quy định về giao thông thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ trong E-Logistics còn thấp…

Bên cạnh đó, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử. Dưới góc độ của doanh nghiệp thương mại điện tử sử dụng dịch vụ logistics, ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ cho biết, một khảo sát mới nhất của Công ty cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó, chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Quang Thuật nhận định, hiện độ phủ của hệ thống logistics ở Việt Nam vẫn chưa được đồng đều, hơn nữa, chi phí vận hành khá cao so với hệ thống vận chuyển khi có độ phủ rộng lớn.

Đồng tình với việc cho rằng, sự phát triển của lĩnh vực logistics vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của thương mại điện tử, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express cho biết, đơn cử với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày, doanh nghiệp không thể phát triển một lực lượng hùng hậu các "shipper" (người vận chuyển) chạy bằng xe máy để giao hàng trên khắp cả nước, trong khi chi phí đầu tư và vận hàng cho phương tiện ôtô cao và gây tắc nghẽn giao thông.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, hiện nay, chi phí logistics ở Việt Nam đang chiếm 30% doanh thu thương mại điện tử, ở mức cao so với nhiều nước (Ấn Độ từ 10%-15%).

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng đặt câu hỏi, liệu logistics có đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại điện tử hay không, với tốc độ phát triển 25% như vậy thì đáp ứng như thế nào, trong khi dịch vụ logistics phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

"Chuỗi cung ứng sẽ ra sao, cộng với nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics đang còn bất cập, nếu tuyển về vẫn phải mất thêm nhiều năm để đào tạo thêm về kinh doanh, thương mại”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Cần liên kết mạnh hơn

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nếu các doanh nghiệp biết liên kết lại với nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau để tạo ra dịch vụ trên nền tảng của dịch vụ có sẵn của các bên, thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Cũng nhìn nhận thực tế này, ông Vũ Đức Thịnh khuyến nghị, các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Cùng với đó là đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

Ngoài ra, để phát triển E-logistics, đại diện Lazada Express cho rằng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hoá, nâng cao năng lực vận hành, đầu tư mạnh vào nhân lực cũng như áp dụng các kinh nghiệm từ các nước phát triển.

Ông Thịnh cũng cho biết, trong tương lai, Lazada Express sẽ nghiên cứu, phát triển và đa dạng hoá phương tiện vận tải theo hướng thân thiện với môi trường, mà cụ thể ở đây là xe điện.

"Chúng tôi sẽ phát triển xe ba bánh, bốn bánh điện. Đây là định hướng phát triển bền vững", ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng ý kiến với việc phải liên kết, ông Nguyễn Trần Thi, Tổng Giám đốc giaohangnhanh.vn chia sẻ, việc các doanh nghiệp dịch vụ logistics phải liên kết chặt chẽ với nhau để khép kín và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Thi gợi ý, các hình thức liên kết có thể là các doanh nghiệp dịch vụ logistics lớn yêu cầu doanh nghiệp logistics nhỏ hơn tích hợp vào hệ thống. Khi các bên ngồi lại và đưa ra giải pháp tổng thể từ kho bãi, lưu chuyển hàng hóa, đưa ra quy trình chuẩn sẽ giúp giảm chi phí, trong khi cung cấp được các dịch vụ tổng thể và khép kín.

Tuy nhiên, rào cản khiến doanh nghiệp khó hợp tác là do thiếu niềm tin, sợ các đối tác không đáp ứng được các nhu cầu mong muốn, sợ mất khách hàng… Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, niềm tin trong thương mại điện tử là vấn đề quan trọng nhất doanh nghiệp cần xây dựng trong thời điểm hiện nay bởi chỉ cần một sự việc nhỏ xảy ra, nhất là việc giao hàng chậm cũng dẫn tới việc khách hàng nghi ngại.

Vì vậy, cần sự “bắt tay” mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp dịch vụ logistics nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng hàng hóa, đảm bảo được thời gian giao hàng đúng như những gì đã cam kết với khách hàng./.