VBF 2018: Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu
Sáng ngày 04/12/2018, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” đã diễn ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018/ Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, đáng khích lệ nhất là những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc quan tâm đến rất nhiều khía cạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính các doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều chuyển biến, tác động đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn/Ảnh: Lê Tiên
Phát biểu trong Diễn đàn, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu – đồng Chủ tịch VBF, ông Tomaso Andreatta cũng nhận định rằng, trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tiếp đó, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được xem là cơ hội mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là làm thế nào để thích nghi với những thay đổi thương mại đang diễn ra trên thế giới và nắm bắt, tận dụng triệu để các cơ hội mà nó đem lại để tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Đồng quan điểm với ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Kelly cho biết, căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc đã tiến hành di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ sang các quốc gia khác. Và đây cũng chính là cơ hội của Việt Nam, ông Michael Kelly nhận định.
Đứng trước xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu, ông Tomaso cũng đưa ra một số điểm đáng lưu ý đối với Việt Nam, được kể đến như: nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện đại hóa giáo dục, hỗ trợ các dự án về năng lượng, đào tạo nhân lực, ổn định thị trường vốn, chính sách và môi trường kinh doanh trong thời đại công nghiệp số...
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018/ Ảnh: Lê Tiên
Nhưng, làm thế nào để nắm bắt cơ hội đúng thời điểm?
Thay mặt Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng, Trưởng nhóm, ông Tony Foster đã đề xuất về việc làm thế nào để Mô hình hợp tác công – tư (PPP) có hiệu quả.
Ông Tony Foster nhấn mạnh về tầm quan trọng của PPP rằng, việc huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong giai đoạn chuyển dịch thương mại toàn cầu nhằm khắc phục những “điểm nghẽn” của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam mang tính bức thiết.
Tuy nhiên, nguồn lực công còn hạn chế, đòi hỏi cần phải khuyến khích khu vực tư nhân cùng tham gia vào quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng này để thúc đẩy quá trình nắm bắt cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu.
Cụ thể, ông cho biết, “Một cơ chế đầu tư PPP tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Chính phủ cần có các hành động quyết liệt bao gồm cả việc ban hành các cơ chế đặc thù nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, góp phần xây dựng dự án PPP thí điểm thành công trong từng lĩnh vực có nhu cầu cấp bách như xử lý chất thải, đường bộ và đường sắt…
Đối với lĩnh vực đầu tư năng lượng, Trưởng nhóm đại diện Nhóm Công tác Điện & Năng lượng đã có bài phát biểu tại Diễn đàn, nhấn mạnh về hiệu quả kinh tế của việc khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo đó, ông cho rằng, nếu Việt Nam có những chính sách phù hợp để đảm bảo tính khả thi về kinh tế khi đầu tư vào năng lượng tái tạo thì sẽ có sự gia tăng lớn về việc làm ở các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và lao động trong nước, huớng đến thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đón nhận các cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu.
Ổn định thị trường vốn là một trong những đề xuất của Trưởng nhóm đại diện Nhóm Công tác Thị trường Vốn tại Diễn đàn. Cụ thể, đại diện Nhóm này đã đề xuất và kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán phối hợp với các bộ ngành có liên quan để tiến hành đánh giá tổng thể về những vướng mắc, bất cập hạn chế trong các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, các quy trình thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, các quy định về quản lý dòng vốn. Qua đó, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Về phía Nhóm Công tác Ngân hàng, Trưởng nhóm đại diện lại nhấn mạnh tầm quan trọng của tín dụng chất lượng cao – nguồn lực quan trọng để đổi mới.
Trưởng nhóm đại diện cho biết, hiện, không có điểm nào tồn đọng, chưa được thống nhất về mặt quan điểm giữa các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG). Chỉ có những điểm đã được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và có kế hoạch xử lý trong thời gian tới, như: đơn giản hóa việc kiểm tra chứng từ trong các giao dịch ngoại hối; thúc đẩy số hóa nền kinh tế của Việt Nam (bảo vệ thông tin của khách hàng, Dự thảo Luật An ninh mạng); số tiền thanh toán bằng chữ trên uỷ nhiệm chi…
Bên cạnh đó, Trưởng nhóm BWG cũng đề xuất tại Diễn đàn rằng, Chính phủ cần tiến hành rà soát, xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực ngân hàng nhằm tăng cường thế mạnh của ngành ngân hàng, thu hút nhiều sự đầu tư hơn, tăng lợi ích cho nền kinh tế đất nước./.
Bình luận