Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, hôm nay (25/10), Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.

“Quy định tại dự thảo Luật có lưu trữ, mã hoá, tích hợp rất nhiều thông tin của công dân. Người dân có thể sử dụng thẻ này để thực hiện nhiều giao dịch theo nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để đọc thông tin trong thẻ vật lý. Như vậy, thiết bị này có do cơ quan nhà nước cung cấp cho các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan hay không để đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin...?”, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) nêu vấn đề.

Việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Nhung, nội hàm về thẻ căn cước điện tử còn khó hiểu, phức tạp

Bà Nhung cho rằng, nếu trường hợp cơ quan nhà nước không cung cấp, mà thực hiện bằng hình thức xã hội hoá, có một chủ thể khác cung cấp, thì chủ thể cung cấp thiết bị này có phải hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu là điều kiện thì cần phải làm rõ để đảm bảo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn..., để người dân, doanh nghiệp có thể áp dụng, thực hiện mà không cần "giấy phép con".

Cũng theo bà Nhung, nội hàm về thẻ căn cước điện tử còn khó hiểu, phức tạp khi người dân tiếp cận luật. Mặt khác, mục tiêu hiện nay trong xây dựng luật là phải dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng. Tại Điều 31, thẻ căn cước điện tử được hiểu bao gồm có danh tính điện tử, một số thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và một số thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước và thông tin tích hợp. Do đó, đề nghị cần quy định rõ, nên tiếp cận theo hướng căn cước điện tử cũng là căn cước, phạm vi thông tin như nhau, chỉ khác nhau về hình thức thể hiện để dễ hiểu, dễ áp dụng.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), dự án Luật đã xác định rõ đối tượng điều chỉnh của dự án luật là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống trên đất nước Việt Nam. Đây là hai đối tượng đã được xác định tại Điều 2 dự thảo Luật...

Tuy nhiên, ông cho rằng, để đảm bảo tính đồng bộ, đề nghị cần xem xét lại quy định tại Điều 3 về định danh điện tử. Theo đó, đề xuất bổ sung định danh điện tử đối với công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là hoạt động xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; là hoạt động xác nhận, khẳng định tính chính xác của danh tính điện tử thông qua khai thác, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước

Khi phát biểu tranh luận, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị Bộ Công an và Ban soạn thảo quan tâm về mã QR và chíp điện tử. Đây là vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân.

“Mã QR rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, do đó đề nghị không nên để mã QR trên thẻ căn cước…”, ông Kim đề xuất.

Phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua

“Việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip, Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân. Bộ Công an khẳng định sẽ đảm bảo an toàn, an ninh không để xảy ra tình trạng này…”, ông Tô Lâm nhấn mạnh…/.