Với tầm nhìn Quy hoạch 2021-2030, Thanh Hóa sẽ bứt phá, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, sáng 27/5.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng (ảnh: MPI) |
“Công tác quy hoạch như là một người công binh mở đường”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá rất cao sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND,Tỉnh Thanh Hóa đối với công tác lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa.
“Đây là một trong những tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định. Tôi đã theo dõi suốt quá trình từ năm 2019 đến nay, tôi nhận thấy sự nỗ lực cố gắng của các sự ban ngành trong công tác lập quy hoạch”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Khẳng định công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trong đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, tùng vùng, tùng địa phương nói riêng, Bộ trưởng ví công tác quy hoạch như là một người công binh mở đường.
“Nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cho biết, Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 với tinh thần hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, Bộ trưởng chỉ rõ, cốt lõi của nó chính là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian theo tầm tư duy mới (ảnh: MPI) |
Kết quả công tác lập quy hoạch - Đã có 05 quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 04 quy hoạch ngành quốc gia), 01 quy hoạch vùng, 01 quy hoạch tỉnh đã phê duyệt; - 04 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đã trình phê duyệt hoặc chuẩn bị trình phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai); - 20 quy hoạch tỉnh đã lập xong và chuẩn bị thẩm định (bao gồm: Đà Nẵng; Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang); - Các quy hoạch còn lại đang được quyết liệt triển khai ở các bước khác nhau, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch. |
“Mặc dù vậy, chúng ta cần phải phát huy 02 cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển địa phương. Một mặt, phải tiếp cận từ tiềm năng của địa phương để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác tốt hơn các cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện; mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ các xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, để chủ động tạo cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển địa phương”, Bộ trưởng nói.
Có phát triển nhanh và bền vững hay không? Có tận dụng được hết các tiềm năng lợi thế không? Có vượt qua được các thách thức không? Có tranh thủ được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới không?... Theo Bộ trưởng điều này tùy thuộc vào tư duy, tầm nhìn và chất lượng của quy hoạch.
Hay nói cách khác, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian một cách bài bản, khoa học, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho đất nước, từng vùng, từng địa phương.
Sự thay đổi lớn về nội dung quy hoạch tất yếu dẫn đến sự thay đổi lớn về tư duy, phương pháp lập quy hoạch. Trong đó, tích hợp quy hoạch là cách tiếp cận để lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. “Tích hợp quy hoạch” là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan, là một phương pháp tư duy mới trong lập quy hoạch, chứ không phải đơn thuần chỉ là một “quy trình” hoặc “kỹ thuật” mới.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đang lập đồng thời cùng với quy hoạch tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, lực lượng lao động dồi dào, chúng ta cần biến nó thành sức mạnh, động lực phát triển. Tại Hội nghị thẩm định này tôi đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch tham gia ý kiến để tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch”, Bộ trưởng mở đầu.
Không gian phát triển của xứ Thanh theo mô hình 4-6-6
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá, việc xây dựng Quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Tỉnh (ảnh: MPI) |
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, trong nhiều năm qua Thanh Hoá luôn đặc biệt quan tâm.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2022; sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Ngay sau khi Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương tổ chức xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 14/11/2019, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên của cả nước được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
Ông Hưng cho biết, Báo cáo Quy hoạch tỉnh đã bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển được nêu trong Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao làm nền tảng; phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với 3 yếu tố chính là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.
Song song với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, báo cáo Quy hoạch tỉnh định hướng không gian phát triển của tỉnh theo mô hình 4-6-6 với 04 trung tâm kinh tế động lực, 06 trụ cột tăng trưởng và 06 hành lang kinh tế nhằm tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
“Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã được tiếp thu, hoàn thành theo quy định của Luật quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ và nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị thẩm định (là tỉnh thứ 06 được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định)”, ông Hưng cho biết.
Chuyên gia Cao Viết Sinh phát biểu tại sự kiện (ảnh: MPI) |
Tại Hội nghị, các ý kiến của các chuyên gia cũng đã phân tích những tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt của tỉnh Thanh Hóa so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đồng thời nêu lên những vấn đề mà Quy hoạch chưa làm rõ và đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu bổ sung vào Quy hoạch nhằm tạo tính tổng thể tạo động lực để tỉnh Thanh Hóa phát triển theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc.
Thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030
Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại sự kiện (ảnh: MPI) |
Tại Hội nghị, 100% thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở đã hoàn thiện nội dung theo các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, ý kiến các thành viên Hội đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã cho ý kiến vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời nêu rõ: Các ý kiến đều thống nhất quá trình lập đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật Quy hoạch, hồ sơ tài liệu, số liệu đầy đủ có cơ sở khoa học và thực tiễn cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúc mừng tỉnh Thanh Hóa đã được 100% các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh bỏ phiếu thông qua Quy hoạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến góp ý của các bộ, để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở nội dung báo cáo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho ý kiến cụ thể vào quan điểm phát triển của tỉnh nhằm thể hiện rõ mức độ ưu tiên, tính đột phá, động lực, khát vọng để Thanh Hóa phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng gợi mở những tiềm năng, lợi thế để tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn; những đường hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn xác định trọng tâm, trọng điểm, mức độ ưu tiên, lĩnh vực đột phá, động lực tạo sự khác biệt nổi trổi của tỉnh Thanh Hóa.
100% thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ảnh MPI) |
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan thường trực phối hợp với các bộ, ngành, các thành viên Hội đồng hoàn thiện biên bản hội nghị.
“Sau khi hoàn thiện, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh sẽ thông qua chính thức và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng tin tưởng, với tiềm năng, thế mạnh Thanh Hóa đang có cùng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới có được từ Quy hoạch tỉnh, Thanh Hóa sẽ bứt phá phát triển trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc./.
Bình luận