Xu thế chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội
ThS. Nguyễn Thị Hường
Trường Đại học Lao động – Xã hội
Tóm tắt
Bài viết tập trung nghiên cứu xu thế chuyển đổi kép – kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – trong chuỗi cung ứng rau an toàn tại Hà Nội. Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững, việc áp dụng đồng thời các giải pháp công nghệ số và thực hành nông nghiệp xanh được xem là một hướng đi tất yếu. Bài viết phân tích thực trạng, xu thế, những cơ hội và thách thức chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội, từ đó sẽ là căn cứ để đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn trên địa bàn hà Nội.
Từ khóa: Chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xu thế, chuỗi cung ứng, rau an toàn, Hà Nội
Summary
The article focuses on the dual transformation trend – a combination of digital transformation and green transformation - in the safe vegetable supply chain in Hanoi. In the context of increasing demand for secure, transparent, and sustainable food, the simultaneous application of digital technology solutions and green agricultural practices is considered an inevitable direction. The article analyzes the current situation, trends, opportunities, and challenges of dual transformation in the safe vegetable supply chain in Hanoi, providing a basis for proposing several solutions to promote dual transformation activities in the safe vegetable supply chain in Hanoi.
Keywords: Dual transformation, digital transformation, green transformation, trend, supply chain, safe vegetables, Hanoi
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, người tiêu dùng tại Hà Nội ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm nông nghiệp an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thuận tiện trong tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra xu hướng mới, sự kết hợp giữa chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh để hình thành nên xu hướng chuyển đổi kép. Trong nông nghiệp, chuyển đổi kép mang lại lợi ích to lớn, giải quyết đồng thời các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về chuỗi cung ứng rau an toàn còn tương đối phân mảnh. Một số công trình tập trung vào việc mô tả thực trạng vận hành chuỗi rau, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ít nghiên cứu đề cập đầy đủ đến cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong một cách tiếp cận tổng thể. Các nghiên cứu trực tiếp và rõ ràng về "chuyển đổi kép" trong nông nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm còn rất hạn chế hoặc chưa được công bố rộng rãi dưới tên gọi này. Phần lớn các nghiên cứu vẫn đang tiếp cận chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như 2 mảng đề tài riêng biệt. Tuy nhiên, đã có những thảo luận và định hướng ban đầu từ các nhà hoạch định chính sách và một số diễn đàn khoa học về sự cần thiết phải tích hợp 2 quá trình này để nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Do vậy, tác giả tập trung nghiên cứu về xu thế chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội hiện nay, để thấy được sự cần thiết của sự chuyển đổi này.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ CHUYỂN ĐỔI KÉP TRONG CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN
Chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng rau an toàn
Theo Ganeshan và cộng sự (1995), chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối, nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán thành phẩm, thành phẩm và phân phối chúng đến khách hàng. Chuỗi cung ứng được xem như một dòng lưu chuyển từ đầu vào đến sản xuất, phân phối và bán hàng. Trong khi đó, Chopra, S. Và Meindl, P (2007) cho rằng, chuỗi cung ứng bao gồm các giai đoạn có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, không chỉ gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp, mà còn nhà vận chuyển, kinh doanh kho, người bán lẻ và khách hàng.
Chuỗi cung ứng đề cập đến trong nghiên cứu này theo quan điểm của Nhàn, A.T.T (2021), là hoạt động của các doanh nghiệp hoặc tổ chức tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các quá trình tạo ra, duy trì và phân phối một loại sản phẩm nào đó cho thị trường, hay nói cách khác là hoạt động của các đối tượng liên quan từ mua nguyên vật liệu, sản xuất tạo ra sản phẩm đến phân phối cho người tiêu dùng cuối cùng.
Từ quan niệm chung về chuỗi cung ứng và tiếp cận các quan điểm về chuỗi cung sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp và rau an toàn, có thể hiểu, chuỗi cung ứng rau an toàn là: Hệ thống các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh), con người, công nghệ, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan trong quá trình mua yếu tố đầu vào, sản xuất tạo ra và phân phối đưa sản phẩm rau an toàn đến tay người tiêu dùng cuối cùng, với mục đích tối đa hóa giá trị và đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên trong chuỗi.
Chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn
Chuyển đổi kép (Dual transformation)
Thuật ngữ “chuyển đổi kép” được đề cập tới từ sau lời kêu gọi từ Uỷ ban Châu Âu về việc xây dựng một nền kinh tế toàn cầu “bền vững, công bằng và cạnh tranh” hơn trong tương lai vào năm 2022. Chuyển đổi kép là quá trình kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nhằm hiện đại hóa và bền vững hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Chuyển đổi kép giúp tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến phát triển bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm.
Chuyển đổi số (Digital Transformation)
Theo Tú và Hải (2024), chuyển đổi số là việc tích hợp và áp dụng công nghệ số, nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, quản lý, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những giá trị mới.
Chuyển đổi số là quá trình áp dụng công nghệ số vào các hoạt động sản xuất, quản lý và phân phối, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành và tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Trong lĩnh vực rau an toàn, chuyển đổi số thể hiện qua các giải pháp như: ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp (AgriTech), tích hợp thương mại điện tử vào khâu tiêu thụ, hay xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối giữa nông dân, HTX, nhà phân phối và người tiêu dùng...
Chuyển đổi xanh (Green Transformation)
Theo Tú và Hải (2024), chuyển đổi xanh là thuật ngữ chỉ những nỗ lực, nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Chuyển đổi xanh là quá trình điều chỉnh hoạt động sản xuất và phân phối theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải và khai thác tài nguyên một cách bền vững. Chuyển đổi xanh trong chuỗi cung ứng rau là quá trình tích hợp các yếu tố thân thiện với môi trường vào tất cả các khâu của chuỗi cung ứng rau, từ sản xuất, chế biến đến vận chuyển, phân phối và tiêu thụ. Mục tiêu là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Đối với chuỗi cung ứng rau an toàn, chuyển đổi xanh bao gồm việc: áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón sinh học, tiết kiệm nước tưới, giảm bao bì nhựa trong khâu đóng gói và vận chuyển, hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn và không phát thải, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối rau an toàn.
XU THẾ CHUYỂN ĐỔI KÉP TRONG CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
Hiện nay, người tiêu dùng trong cả nước cũng như tại Hà Nội ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm nông nghiệp an toàn, truy xuất được nguồn gốc và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng rau an toàn theo 2 hướng chính: Chuyển đổi số để cải thiện hiệu quả quản lý và truy xuất và Chuyển đổi xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, các tác nhân trong chuỗi cung ứng rau an toàn (như chính quyền địa phương, doanh nghiệp phân phối, HTX, nông dân…) đang đứng trước áp lực cải tổ mô hình sản xuất – phân phối – tiêu dùng theo hướng hiện đại và bền vững hơn.
Khâu sản xuất
Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo định hướng tập trung và ứng dụng công nghệ cao được chính quyền Hà Nội tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ. Theo quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND thành phố Hà Nội về Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội, tính đến năm 2018, Hà Nội có 2.696 ha trồng rau an toàn chuyên canh tập trung, quy hoạch đến năm 2030 sẽ tăng lên 6.685 ha, với 104 vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung tại khắp 18 huyện và 1 quận của Hà Nội.
Hiện thành phố có khoảng 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, như: canh tác trong nhà kính, nhà lưới, ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), tưới bằng công nghệ phun hay nhỏ giọt, cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống đến thu hoạch, sơ chế đóng gói sản phẩm… chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX tiên phong áp dụng QR code (truy xuất nguồn gốc) và cảm biến IoT (Internet vạn vật). HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ) dùng trạm thời tiết thông minh iMetos (cảnh báo khí hậu qua điện thoại) và hệ thống QR do doanh nghiệp Nhật tài trợ, cho phép người mua quét mã để biết xuất xứ đến từng thửa ruộng. Qua đó, người nông dân có thể điều chỉnh lịch thời vụ, cách bón phân tối ưu, và người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm.
Xu thế chuyển đổi xanh cũng từng bước được chú trọng. Hà Nội hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô 20ha/vùng trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm...; giá trị sản xuất đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn 20%-30% so với rau thường. Các vùng rau được ứng dụng khoa học-kỹ thuật, che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng, trồng rau trái vụ, tăng thêm từ 3 đến 5 vụ/năm. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất rau an toàn tại Hà Nội đang là một hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương; đồng thời hạn chế một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ra môi trường. Để mở rộng các vùng trồng rau an toàn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Khâu phân phối
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện có 6 hình thức phân phối rau an toàn chính trên thị trường: Hệ thống siêu thị; Hệ thống cửa hàng bán lẻ; Hệ thống nhà hàng, bếp ăn tập thể...; Các thương lái thu gom; Người sản xuất bán trực tiếp ở chợ dân sinh và Bán buôn tại các chợ đầu mối. Trong đó, phân phối qua các chợ đầu mối chiếm tới trên 50%-60% tổng sản lượng toàn thị trường Hà Nội (Huyền, 2020).
Xu thế chuyển đổi số trong khâu phân phối thể hiện ở việc, nhiều HTX, doanh nghiệp rau an toàn đã dùng internet và thương mại điện tử để kết nối người tiêu dùng. Công ty cổ phần rau an toàn Hải Anh (Đông Anh) khởi nghiệp từ giai đoạn giãn cách Covid-19 bằng cách đăng ảnh, rao bán rau trên website và mạng xã hội – bình quân tiêu thụ khoảng 5–6 tạ/ngày. HTX rau sạch Chử Tâm (Văn Đức) đưa sản phẩm lên sàn thương mại SmartGap và tích hợp QR truy xuất nguồn gốc thông qua hỗ trợ của Hội Nữ trí thức Hà Nội (Nam, 2022). Các HTX lớn như Chúc Sơn (23 ha VietGAP/GlobalGAP) ký hợp đồng cung cấp rau cho Aeon, BigC, trường học, bệnh viện… (hệ thống bao tiêu rộng khắp) và mỗi ngày thu mua, đóng gói khoảng 2 tấn rau an toàn phân phối đến tay người tiêu dùng (Oanh,2023).
Mô hình chợ điện tử từng bước được hình thành. Sendo Farm là mô hình chợ điện tử tiên phong tại Việt Nam, tập trung vào việc cung cấp thực phẩm tươi sống và nông sản sạch thông qua nền tảng trực tuyến. Sendo Farm hoạt động theo hình thức “đi chợ kiểu mới” – khách hàng đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại các điểm giao nhận gần nhà hoặc tại nơi làm việc. Trong năm 2024, Sendo Farm đã xử lý hơn 60.000 tấn nông sản trên toàn quốc, với hơn 300 tấn hàng được xử lý trong một ngày cao điểm. Sendo Farm áp dụng các công nghệ hiện đại như IoT và AI để theo dõi và quản lý quá trình sản xuất, giúp minh bạch hóa xuất xứ sản phẩm và nâng cao chất lượng nông sản, cam kết kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ canh tác, sản xuất, vận chuyển đến phân phối, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Xu thế xanh trong khâu phân phối biểu hiện qua việc: giảm thiểu bao bì nhựa, sử dụng túi thân thiện môi trường và phát triển kênh phân phối xanh. Nhiều siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội chủ động giảm dùng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích khách hàng chọn rau hữu cơ, nông sản xanh. Các HTX và doanh nghiệp bán lẻ đã dần chiếm lĩnh thị trường phân phối hiện đại, như: HTX Chúc Sơn hiện giới thiệu sản phẩm tại siêu thị, trường học, bệnh viện (qua hệ thống bao tiêu); HTX rau sạch Chử Tâm và HTX Văn Đức cũng chủ yếu bán tại chuỗi cửa hàng riêng và kênh online. Nhiều HTX đã đầu tư ô tô lạnh, kho đông để bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, nông sản an toàn bắt đầu xuất hiện ở các sàn giao dịch nông sản, sàn thương mại điển tử, phục vụ đa dạng khách hàng từ người dân đến doanh nghiệp. Các chuỗi cửa hàng chuyên biệt về rau sạch, chợ hữu cơ ven đô đang được thành lập để đáp ứng nhu cầu rau an toàn.
Khâu tiêu dùng
Người tiêu dùng tại Hà Nội, nhất là khu vực đô thị đang có xu hướng ngày càng ưu tiên các sản phẩm rõ nguồn gốc, nhãn chứng nhận xanh, chấp nhận giá cao hơn cho rau sạch.
Xu thế chuyển đổi số trong tiêu dùng thể hiện trong việc người tiêu dùng ngày nay truy cập thông tin và mua rau an toàn qua nhiều kênh số. Một bộ phận khách hàng trẻ sử dụng ứng dụng truy xuất QR, đặt hàng online, cho thấy xu hướng tiêu dùng số hóa – bền vững đang lan rộng. Đầu 2022, Hội Nông dân Hà Nội cùng Bưu điện tổ chức rà soát, cập nhật thông tin hộ sản xuất lên các sàn thương mại điện tử chuyên ngành (Posrmart, Agri-postmart). Người mua có thể sử dụng điện thoại quét mã QR trên bao bì để xem dữ liệu truy xuất nguồn gốc (như HTX Chúc Sơn đã triển khai), đảm bảo tin tưởng về chất lượng. Ngoài ra, các ứng dụng đặt hàng online (website, app giao đồ ăn, siêu thị online) đã trở thành kênh tiếp cận rau an toàn ngày càng phổ biến ở Hà Nội.
Tiêu dùng xanh cũng là xu hướng đang lan tỏa ở Hà Nội. Khảo sát cho thấy, hơn 80% người tiêu dùng đô thị coi “sản phẩm an toàn, chất lượng” là yếu tố quyết định khi chọn mua rau quả. Nhiều gia đình sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm sạch/hữu cơ, bao bì tái chế. Các chiến dịch tuyên truyền về lợi ích rau an toàn, nông nghiệp hữu cơ được đẩy mạnh tại các siêu thị, trường học và chợ đầu mối. Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Hà Nội và Sở Công Thương cũng đã từng khuyến nghị mở rộng kênh tiêu thụ và nâng cao nhận thức người dân về “mua rau an toàn, xanh”. (Dũng, 2024). Thị trường tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội đang phát triển và đa dạng. Rau an toàn không chỉ có mặt ở chợ truyền thống mà còn được bày bán tại hệ thống siêu thị (BigC, AEON, Go) và các cửa hàng chuyên doanh. Các sàn giao dịch nông sản nội địa (chợ đầu mối điện tử) cũng có mục dành cho rau quả đạt chuẩn. Dự báo nhu cầu tiếp tục tăng nhanh (15%-20%/năm) khi dân số đô thị gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, thị phần rau an toàn hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu chung của Thành phố (Dũng, 2024).
ĐÁNH GIÁ VỀ XU THẾ CHUYỂN ĐỔI KÉP TRONG CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN TẠI HÀ NỘI
Xu thế chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn tại Hà Nội đang từng bước được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Trong xu thế chuyển đổi này bên cạnh nhưng cơ hội cũng còn tồn tại không ít những thách thức, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của tất cả các bên liên quan.
Cơ hội
Chính quyền thanh phố đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số và xanh. Chương trình chuyển đổi số đến 2025 yêu cầu “mỗi nông dân được đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo giá”. Các hội thảo chuyên đề do Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức kết nối HTX – doanh nghiệp chuyển đổi số – ngành nông nghiệp, tạo nền tảng cho các giải pháp linh hoạt, hiệu quả (Mai, 2022). Nhu cầu thị trường cũng là đòn bẩy. Theo khảo sát, nhu cầu tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội đang tăng 15%–20%/năm, có thể vượt 1 triệu tấn vào năm 2025 (Dũng, 2024). Điều này khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ mới. Ngoài ra, nhiều chương trình khác như OCOP, khuyến nông xanh… cũng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn cho các HTX sản xuất hữu cơ/VietGAP.
Ngành Nông nghiệp và Sở Công Thương Hà Nội đang xúc tiến mạnh mẽ thương mại điện tử nông sản. Các sàn như SmartGap Việt Nam, Posrmart.vn, Agri-postmart.vn… được quảng bá để đưa rau an toàn đến khách hàng trong và ngoài nước. Sự hỗ trợ liên kết giữa HTX với công ty công nghệ (như Sorimachi Nhật hỗ trợ HTX Chúc Sơn) và giữa Hội nông dân – Bưu điện trong việc đưa sản phẩm lên sàn điện tử sẽ mở rộng thị trường mới cho rau an toàn. Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng trả thêm cho sản phẩm thân thiện môi trường đang tăng (nghiên cứu tại BigC Hà Nội cho thấy khách sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng “xanh”) tạo động lực để doanh nghiệp phân phối phát triển sản phẩm xanh và chiến lược marketing bền vững.
Chính sách nhà nước khuyến khích tiêu dùng bền vững và phát triển kinh tế xanh cũng sẽ thúc đẩy thói quen chọn rau an toàn. Các chương trình OCOP, nhãn hiệu rau an toàn Hà Nội đang dần xây dựng chỗ đứng. Công nghệ truy xuất nguồn gốc tích hợp sớm sẽ gia tăng lòng tin người tiêu dùng. Hơn nữa, khi nhận thức về sức khỏe và môi trường ngày càng tăng, thị trường rau an toàn hứa hẹn mở rộng, tạo động lực cho các HTX và doanh nghiệp phân phối đầu tư phát triển.
Thách thức
Một là, vốn đầu tư hạn chế khiến nhiều hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ trong sản xuất rau an toàn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, như: kho lạnh, nhà sơ chế còn thiếu khiến rau sau thu hoạch dễ hư hỏng. Nhận thức số hóa của một bộ phận nông dân còn thấp; nhiều HTX nhỏ thiếu cán bộ kỹ thuật để vận hành công nghệ. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc chưa phổ biến, nhiều rau VietGAP dù có chất lượng nhưng không có mã QR nên vẫn khó tiếp cận kênh siêu thị và cửa hàng hiện đại. Vấn đề này làm giảm uy tín sản phẩm với người tiêu dùng và cản trở truy xuất đến từng thửa ruộng.
Hai là, công tác phân phối vẫn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống kho lạnh, logistics cho rau quả còn thiếu và kém đồng bộ, khiến rau nhanh hỏng nếu vận chuyển xa. Chuỗi cung ứng truyền thống với nhiều khâu trung gian vẫn tồn tại, làm tăng giá thành rau an toàn. Như đã nêu, việc thiếu truy xuất nguồn gốc liên tục là trở ngại lớn: nhiều sản phẩm vẫn chưa có mã QR/nhãn tem rõ ràng nên khó đạt chuẩn vào siêu thị, doanh nghiệp mua bán lớn. Một số HTX/nhà phân phối quy mô nhỏ còn hạn chế năng lực marketing số hóa và chưa đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử.
Ba là, giá bán rau an toàn thường cao hơn rau thông thường (do chi phí sản xuất sạch, chứng nhận và phân phối cao), khiến nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình khó mua thường xuyên. Kiến thức của người tiêu dùng về nhận biết và truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, phần vì nhiều bao bì chưa thể hiện đầy đủ thông tin an toàn. Việc này làm giảm niềm tin của khách hàng mới. Trong khi đó, cạnh tranh từ rau thường giá rẻ (trong chợ dân sinh) vẫn rất lớn.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu xu thế chuyển đổi kép trong chuỗi cung ứng rau an toàn trên địa bàn Hà Nội là cơ sở quan trọng đề xuất các giải pháp và khuyến nghị để thúc đấy ứng dựng công nghệ, số hóa cũng như các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng rau để hướng tới sự phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu này cũng là nguồn tham khảo hữu ích cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực rau toàn ở Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số và phát triển bền vững của mỗi thành phần cũng như tất cả các thành phần trong chuỗi cung ứng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chopra, S. and Meindl, P. (2007). Supply Chain Management: Strategy, Planning and Operation. 3th edition, New Jersey: Pearson International Edition.
2. Đan, T. (2025). Sendo Farm chia sẻ tầm nhìn nông nghiệp số tại FPT Techday. https://vnexpress.net/sendo-farm-chia-se-tam-nhin-nong-nghiep-so-tai-fpt-techday-4816786.html?utm_source=chatgpt.com
3. Dũng, N.T. (2024). Nghiên cứu phát triển thị trường sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và những khuyến nghị về chính sách quản lý nhà nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/04/nghien-cuu-phat-trien-thi-truong-san-xuat-rau-an-toan-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-thuc-trang-va-nhung-khuyen-nghi-ve-chinh-sach-quan-ly-nha-nuoc
4. Ganesham, Ran and Terry P. Harrison (1995). An Introduction to Supply Chain Management. Department of Management Sciences and Information System, 303 Beam Business Building, Penn State University.
5. Huyền, N.T.T. (2020). Phát triển mô hình chuỗi cung ứng theo tiếp cận nâng cao giái trị gia tăng mặt hàng rau quả trên địa bàn thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ. Đại học Thương Mại.
6. Mai, H. (2022). TP. Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Truy cập từ https://tapchimoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-54/tp-ha-noi-day-manh-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-va-tieu-thu-nong-san-26465.
7. Nam, T. (2022). Bắt tay’ đưa rau an toàn lên sàn thương mại điện tử. Truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/bat-tay-dua-rau-an-toan-len-san-thuong-mai-dien-tu-103220602103103657.htm.
8. Nhàn, A.T.T. (2021). Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng. Trường Đại học Thương mại. Nxb Thống kê.
9. Tú, L.A và Hải, L.T. (2025). Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững. Truy cập từ https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/chuyen-doi-so--chuyen-doi-xanh-cho-phat-trien-ben-vung--phan-1--5963.4050.html.
10. UBND thành phố Hà Nội (2019). Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND thành phố Hà Nội về Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội.
Ngày nhận bài: 20/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 03/6/2025; Ngày duyệt đăng: 11/6/2025 |
Bình luận