Từ khóa: xuất khẩu của Việt Nam, phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp

Summary

In recent years, Vietnam has promoted openness and integration into the world economy, actively participating in the new generation free trade agreement (FTA) network. That has contributed significantly to helping Vietnam achieve many important achievements in economic development and expanding export markets. However, Vietnam's exported goods are being subject to trade remedies by other countries with increasing frequency. The article summarizes the current situation of trade remedies investigated by foreign countries for Vietnamese exporting enterprises and the response work, while also pointing out some difficulties and challenges, thereby recommending some solution for this problem.

Keywords: Vietnam's exports, trade remedies, anti-dumping, anti-subsidy

GIỚI THIỆU

PVTM là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia. Các biện pháp này được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp truyền thống như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, và hình thức mới như chống lẩn tránh PVTM. Ngoài việc bảo vệ các ngành sản xuất nội địa khỏi cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, các biện pháp PVTM còn được sử dụng như hàng rào ngăn cản gia nhập thị trường. Trong những năm gần đây, các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Ngoài ra, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Trong khi đó, dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác ứng phó với PVTM của Việt Nam còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa từ phía Chính phủ và chính các DN xuất khẩu.

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PVTM DO NƯỚC NGOÀI ĐIỀU TRA ĐỐI VỚI DN XUẤT KHẨU VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC ỨNG PHÓ

Khái quát về PVTM

PVTM là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan. Như vậy, PVTM là các biện pháp hỗ trợ các ngành sản xuất, các DN trong quá trình hội nhập, được phép sử dụng có thời hạn nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để tránh việc các nước lạm dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo hộ quá mức các ngành sản xuất trong nước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định tự do thương mại (FTA) đưa ra các quy định khá chặt chẽ đối với việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM.

Cụ thể, việc điều tra biện pháp PVTM phải dựa trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước (không phải của từng DN cụ thể), cơ quan điều tra phải thực hiện điều tra và chứng minh được: (i) Hành vi phá giá, trợ cấp hoặc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến; (ii) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng; và (iii) Hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Ngoài ra, nếu áp dụng biện pháp tự vệ thì có khả năng bị các nước yêu cầu bồi thường, đền bù hoặc trả đũa do đây là hành vi hạn chế nhập khẩu trong điều kiện thương mại lành mạnh và do đó đi ngược lại các nguyên tắc tự do hóa thương mại.

PVTM bao gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, các nước có thể áp dụng biện pháp chống lẩn tránh PVTM khi chứng minh được hàng hóa, nguyên liệu từ nước đang bị áp thuế được xuất khẩu, gia công thêm ở một nước thứ ba với giá trị gia tăng không đáng kể. Về cơ bản, nội dung PVTM trong các FTA đều dựa trên các hiệp định tương ứng trong khuôn khổ WTO. Đa số quy định về PVTM trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến biện pháp tự vệ nội khối (chỉ áp dụng trong phạm vi các nước tham gia hiệp định) và yêu cầu minh bạch hóa khi áp dụng các biện pháp PVTM.

Thực trạng PVTM do nước ngoài điều tra đối với DN xuất khẩu Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, tính đến năm 2022, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 2 hiệp định đang đàm phán. Điều đó đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới, cũng như giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn hàng phong phú, chất lượng với giá cả hợp lý… Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, hiện tượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang bị các nước áp dụng biện pháp PVTM với tần suất ngày càng gia tăng.

Thực tế cho thấy, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra PVTM mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Thống kê của Cục PVTM – Bộ Công Thương, giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống lẩn tránh, thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ việc, gồm 58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh (Hoa Quỳnh, 2021). Trong năm 2022, có 28 vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; riêng 6 tháng năm 2023 có 17 vụ việc. Tính lũy kế đến hết tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện; trong đó có 128 vụ chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 33 vụ chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 23 chống trợ cấp (Ánh Ngọc, 2023).

Nhìn chung, các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Nếu trước đây hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, thì nay những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Loại hàng hóa bị khởi kiện cũng đa dạng hơn từ hàng nông, thủy sản, cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài DN, nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng rất lớn. Đặc biệt, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này.

Bên cạnh đó, các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với Việt Nam như: Mỹ, Ấn Độ, Autralia... Trong đó, thép, nhôm, sợi, gỗ là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp PVTM, và là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất đối với Việt Nam. Tính đến hết năm 2022, Hoa Kỳ đã điều tra 41 vụ việc, chiếm 45% tổng số vụ PVTM đối với DN xuất khẩu của Việt Nam (Lương Bằng, 2023). Xếp sau Hoa Kỳ là Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Đối với Việt Nam, EU hiện nay chỉ áp dụng biện pháp PVTM với duy nhất sản phẩm thép.

Công tác ứng phó với PVTM của nước ta

Trước các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, công tác PVTM của nước ta đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, triển khai các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực về PVTM; Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm; đẩy mạnh công tác thực thi, sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu…

Để hỗ trợ các DN chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của Đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM nhằm giúp các DN có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý hiệu quả, đồng thời công tác cảnh báo sớm cũng ngày càng được đẩy mạnh, giúp thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Ví dụ, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các DN Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với DN Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc (110%) (Thy Thảo, 2023).

Nhìn chung, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều DN mặt hàng xuất khẩu, không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp (như tôm, cá tra, cá basa, thép, ván gỗ MDF…), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Canada…

Một số khó khăn, thách thức

Trước sự tăng nhanh về số lượng các vụ việc điều tra PVTM, các sản phẩm bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM có xu hướng ngày càng mở rộng, vì thế, thời gian tới, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra PVTM, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, từ nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý. Cụ thể như: các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Điều này thể hiện thông qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi hạn chế thời gian trả lời.

Trong khi đó, DN xuất khẩu Việt Nam lại chưa chủ động tiếp cận thông tin chuyên môn từ các cơ quan chức năng như Cục PVTM (Bộ Công Thương); cũng như chưa chủ động theo dõi, nghiên cứu, đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền về những ưu và nhược điểm về lĩnh vực xuất khẩu của đơn vị mình để nhận được định hướng tư vấn từ cơ quan chức năng, giảm thiểu khả năng gặp phải PVTM.

Ngoài ra, DN lại đang thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt. Trong khi đó, hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, do tham gia điều tra đòi hỏi các DN phải phân bổ nguồn lực tài chính, con người trong thời gian khá lâu; cộng với đó là trở ngại ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa.

Hơn nữa, DN xuất khẩu Việt Nam cũng còn hạn chế về khả năng tập hợp bằng chứng chứng minh cho các vụ điều tra PVTM. Thông tin bằng chứng chứng minh rằng, hàng hóa bị kiện PVTM là yếu tố cốt yếu trong các vụ kiện PVTM. Đặc biệt là các hóa đơn, chứng từ mua hàng trung gian, nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu/sản phẩm trung gian… rất phức tạp.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm nâng cao năng lực ứng phó trước công tác PVTM cho DN xuất khẩu Việt Nam, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, Bộ Công Thương cần tăng cường xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để trợ giúp một cách hiệu quả nhất cho các DN xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài và ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM.

Thứ hai, chú trọng công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về PVTM. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương tăng cường phổ biến thông tin kịp thời về PVTM; đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác có tính hệ thống về PVTM cho cơ quan báo chí. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng DN và người dân về PVTM, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay.

Về phía các DN xuất khẩu

- Cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp.

- Tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.

- Đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

- Chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật, quy định PVTM giữa Việt Nam và nước đối tác để nắm rõ nghĩa vụ và quyền lợi, dự trù thuê luật sư khi cần thiết, xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng. Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, cần xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực bằng cách trả lời câu hỏi đúng thời hạn, hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp và liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các DN trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành.

- Xây dựng đội ngũ nhân lực (luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý…) tăng cường hỗ trợ DN, ngành hàng có trình độ, năng lực, hiệu quả tư vấn, để bảo vệ quyền lợi của DN trong các vụ việc PVTM. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu và uy tín quốc tế về PVTM để tham gia các tổ chức quốc tế về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực PVTM./.

TS. Nguyễn Huy Oanh - Trường Đại học Trưng Vương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ánh Ngọc (2023), Ứng phó phòng vệ thương mại: Chủ động để không thiệt thòi, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/ung-pho-phong-ve-thuong-mai-chu-dong-de-khong-thiet-thoi.html.

2. Hoa Quỳnh (2021), Phòng vệ thương mại: Song hành cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, truy cập từ https://congthuong.vn/phong-ve-thuong-mai-song-hanh-cung-tien-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-167641.html.

3. Lương Bằng (2023), Phòng vệ thương mại: Vì sao Việt Nam điều tra ít vụ việc hơn các nước?, truy cập từ https://vietnamnet.vn/phong-ve-thuong-mai-vi-sao-viet-nam-dieu-tra-it-vu-viec-hon-cac-nuoc-2167062.html.

4. Thy Thảo (2023), Doanh nghiệp Việt thành công lên tiếng, giảm mạnh thuế chống trợ cấp với lốp xe xuất khẩu sang Hoa Kỳ, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/doanh-nghiep-viet-thanh-cong-len-tieng-giam-manh-thue-chong-tro-cap-voi-lop-xe-xuat-khau-sang-hoa-ky-111888.htm.

5. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.

6. Tổng cục Thống kê (2010-2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm, từ năm 2010 đến năm 2022

7. Trung tâm WTO và Hội nhập (2022), Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến hết năm 2022.

8. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) và Cục PVTM (Bộ Công Thương) (2022), Tài liệu Hội nghị “Kỹ năng đàm phán trong thương mại quốc tế, hướng dẫn xử lý các vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ngày 1/11/2022.