Trước đó, hộ mới thoát nghèo không nằm trong đối tượng được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Lỗ hổng” chính sách

Hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.

Theo thống kê, trung bình tỷ lệ giảm nghèo của cả nước khoảng 2%/năm, ước tính mỗi năm có hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo.

Khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, hộ cận nghèo là không đáng kể

Theo rà soát của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong số 700.000 hộ thoát nghèo có khoảng trên 500.000 hộ đang có dư nợ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay hộ cận nghèo; chỉ còn khoảng 200.000 hộ thoát nghèo chưa được vay vốn hoặc đã trả hết nợ nhưng hiện chưa được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, hộ cận nghèo là không đáng kể.

Cũng giống như hộ cận nghèo, nhóm hộ này cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi hcũng rất cần vốn để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hộ mới thoát nghèo đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh hay gia đình có người bệnh tật là lại tái nghèo.

mục tiêu giảm nghèo bền vững và chính sách chưa đi đôi với nhau.

Do chưa có chính sách hỗ trợ tiếp cho những hộ mới thoát nghèo về vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, y tế, giáo dục, pháp lý, nhà ở…, nên nhóm hộ mới thoát nghèo dễ tái nghèo, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, việc cắt các khoản hỗ trợ sẽ khiến người dân nảy sinh tâm lý không muốn thoát nghèo.

Tiếp thêm động lực cho hộ mới thoát nghèo

Có thể nói, việc hộ mới thoát nghèo đang “bơ vơ”, chưa được tiếp sức ít nhiều làm giảm đi tác động của chính sách giảm nghèo bền vững, nhiều hộ tái nghèo khi gặp rủi ro trong sản xuất và cuộc sống.

Để lấp “khoảng trống” này, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quyết định nêu rõ, mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm.

Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.