Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển” và Lễ công bố Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNVVN, do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 5/4/2019.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh/Minh Trang

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp cho rằng, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Trong bối cảnh đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (starup) đang đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.

Theo ông Tăng Ngọc Trường An, Chủ tịch của Ibosses Việt Nam, so với các quốc gia đã và đang làm khởi nghiệp công nghệ cao và coi đây là mũi nhọn cho sự phát triển, như: Isarel, Hoa Kỳ, Trung Quốc, hay Singapore, thì Việt Nam mới chỉ trong quá trình sơ khai.

Báo cáo về chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2017/2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, Việt Nam đang đối diện với hai vấn đề cần giải quyết tài chính và công nghệ. Trong Bảng xếp hạng về Điều kiện kinh doanh của 54 quốc gia, Việt Nam đang dẫn đầu ở các chỉ số: năng động ở thị trường nội địa (5/54), văn hóa chuẩn mực xã hội (6/54), cơ sở hạ tầng 10/54… Song Việt Nam lại đang yếu ở các chỉ số: tài chính (39/54), giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54), chuyển giao công nghệ (34/54)... Vì vậy, đây chính là lúc để các DNNVV, các startup nắm bắt thời cơ phát triển và vươn lên.

Chủ tịch của Ibosses Việt Nam nhấn mạnh, các DNNVV, các startup đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên thành công chỉ đến với những doanh nghiệp quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính.

Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), ông Tăng Ngọc Trường An cho biết, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhưng áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, huy động nguồn tài chính tư nhân và sự điều hành của các chuyên gia nước ngoài. Việc xây dựng và vận hành NIC sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm hiệu quả và có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên như các bộ, ban, ngành cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục...

Lễ ký kết và ra mắt Dự án thí điểm phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho DNVVN. Ảnh/Minh Trang

Đại diện Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Úc và New Zealand, cho rằng, để mở rộng quy mô hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp gắn với xây dựng văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thiết lập một khung quản trị tốt ngay từ đầu hành trình kinh doanh của doanh nghiệp, để phát triển bền vững, cũng như có khả năng linh hoạt ứng phó trước những biến động rủi ro của thị trường...

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc áp dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Theo ông Sharath Martin, ACCA cũng sẽ giới thiệu bộ công cụ để các DNNVV có thể sử dụng để tối đa hóa cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, gọi vốn thành công bao gồm khung tăng trưởng cũng như đề xuất chi tiết các việc cần làm ngay của các DNNVV./.