Phùng Mạnh Hùng

Email: hungqtcl@tmu.edu.vn

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cách tiếp cận năng lực đổi mới sinh thái bao gồm: đổi mới sản phẩm sinh thái và đổi mới quy trình sinh thái, đồng thời, sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu 4 nhà quản trị cấp cao tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để thực hiện phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các DNNVV đang thực hiện đổi mới sản phẩm sinh thái thông qua các phương thức, như: sử dụng các nguồn lực hiện tại và tái chế sản phẩm để đổi mới sản phẩm sinh thái; trong khi đó, việc đổi mới quy trình sinh thái được thực hiện thông quy quy trình tái chế, tái sử dụng và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Từ khóa: năng lực đổi mới sinh thái, doanh nghiệp nhỏvừa, thị trường Việt Nam

Summary

The research was conducted based on the eco-innovation capacity approach including eco-product innovation and eco-process innovation, and in-depth interviews with 4 senior managers at small and medium-sized enterprises (SMEs). Research results show that SMEs are implementing ecological product innovation through methods such as: using current resources and recycling products to innovate ecological products; while ecological process innovation is accomplished through recycling, reuse, and investment in research and development (R&D).

Keywords: ecological innovation capacity, small and medium-sized enterprises, Vietnamese market

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển quá mức của các hoạt động kinh tế dẫn tới hệ quả ô nhiễm môi trường và bùng phát của các loại dịch bệnh là dẫn chứng điển hình về hệ quả tiêu cực của ô nhiễm sẽ đe dọa tới sự tồn tại của nhân loại trong những thập kỷ tiếp theo (Kumar và Ayedee, 2021). Trong suốt giai đoạn bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm do biến đổi khí hậu này, phần lớn các doanh nghiệp trên thế giới đang có những bước đi cụ thể để giảm tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và môi trường, trong khi vẫn duy trì được kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, những rủi ro này có tác động dài hạn và các DNNVV vẫn gặp khó khăn để đạt được tính bền vững thị trường thông qua cân bằng kết quả môi trường và tài chính. Để giải quyết khó khăn này, các DNNVV cần phải tạo ra những ý tưởng đổi mới để duy trì hệ thống sản xuất và kinh doanh. Vai trò của các DNNVV là rất quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách về môi trường giải quyết các tác động tiêu cực của ô nhiễm trong bối cảnh hiện nay, vì sự thực là DNNVV đang thống lĩnh các nền kinh tế và có đóng góp quan trọng vào thu nhập quốc gia, cũng như tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù các DNNVV đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng họ cần phải phát triển các chiến lược và ý tưởng mới để duy trì lợi thế cạnh tranh, cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai. Trong cơ chế hiện nay, các DNNVV có thể phát triển năng lực đổi mới xanh trong vận hành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện kết quả kinh doanh, đồng thời giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Larbi-Siaw và cộng sự (2022) cho rằng, năng lực đổi mới sinh thái là phát triển sản phẩm, quy trình, cấu trúc tổ chức và công nghệ hiện tại nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm và các rủi ro liên quan tới môi trường. Áp dụng đổi mới sinh thái được kỳ vọng cải thiện việc quản lý các chất thải lỏng và rắn, tính sẵn có của nguồn tài nguyên, cũng như giảm thiểu ô nhiễm trong các hoạt động vận hành hàng ngày. Đóng góp của các DNNVV trong tái chế/tái sử dụng nguyên liệu và hiệu suất quy trình được xem là điểm đầu của đổi mới sinh thái (Sehnem và cộng sự, 2022). Tái chế rác thải mang tới tiềm năng cho cải thiện lợi nhuận và giảm lượng rác thải cần xử lý hoặc tiêu hủy, do vậy, giảm tác động xấu tới môi trường. Cải thiện tính hiệu suất vận hành và tính bền vững dài hạn là những mục tiêu có thể đạt được qua triển khai năng lực đổi mới sinh thái (Fethi và Rahuma, 2020).

Tuy nhiên, phần lớn nhà quản trị lãnh đạo các DNNVV đã không nhận ra những hiệu ứng tích cực từ năng lực đổi mới sinh thái (Fernando và cộng sự, 2019). Chỉ một số ít nhà quản trị DNNVV trong các ngành hàng tại thị trường Việt Nam quan tâm khám phá năng lực đổi mới sinh thái (Toha và cộng sự, 2020), trong khi phần còn lại triển khai các công cụ/phương pháp đổi mới kém hiệu quả, tác động xấu tới kết quả kinh doanh và tạo ra môi trường kém bền vững. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để làm rõ cách thức mà các DNNVV trong các ngành sản xuất tại Việt Nam triển khai năng lực đổi mới sinh thái để cải thiện kết quả kinh doanh và bảo vệ môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và đây cũng là mục đích đặt ra của nghiên cứu này.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Năng lực đổi mới sinh thái được xem là một công cụ để giải quyết thành công các vấn đề về môi trường (Zhang và cộng sự, 2017). Bất kỳ đổi mới nào sinh ra hiệu suất sinh thái và giúp duy trì được tính bền vững về môi trường đều được phân loại vào năng lực đổi mới sinh thái. Triển khai các năng lực đổi mới sản phẩm thân thiện môi trường, năng lực đổi mới quy trình thân thiện môi trường được xem là những thành tố quan trọng cấu thành nên năng lực đổi mới sinh thái (Rennings, 1998).

Năng lực đổi mới sinh thái trên phương diện quy trình không chỉ liên quan tới việc sinh ra các ý tưởng mới, mà còn bao gồm cả việc tích hợp các nguồn lực hiện tại để gây sự chú ý với khách hang, nhằm khơi dậy nhu cầu và mong muốn của họ về một sản phẩm thân thiện môi trường hoặc một sản phẩm đổi mới. Ngành sản xuất nên đổi mới thường xuyên quy trình kinh doanh, vì nhu cầu khách hàng thường xuyên thay đổi từ xu hướng hiện tại sang xu hướng hiệu quả về môi trường và xã hội thông qua đổi mới sinh thái (Yun và Zhao, 2020). Tuy nhiên, doanh nghiệp cần sở hữu nguồn lực mạnh và có chất lượng để đương đầu với khó khăn trong khi triển khai năng lực đổi mới sinh thái, vì rủi ro từ môi trường bất định. Trước khi triển khai bất kỳ dự án đổi mới nào, doanh nghiệp cần nhận thức sự sẵn sàng của nguồn lực. Điều này giúp ngăn chặn mọi sự lãng phí về nguồn lực trước, trong và sau quá trình sản xuất (Sund và cộng sự, 2016). Thấu hiểu được các nguồn lực của tổ chức, như: nguồn vốn, nguyên liệu, lao động có và không có kỹ năng… là những yếu tố quyết định cho sự thành công của doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, vì 3 yếu tố này phối kết hợp với nhau sẽ tạo nên quá trình sản xuất vừa có hiệu suất và hiệu quả.

Triển khai năng lực đổi mới sinh thái trên phương diện sản phẩm có thể giúp đạt được tính thân thiện môi trường, mà phần lớn người tiêu dùng ngày nay đánh giá cao. Các DNNVV triển khai năng lực đổi mới sản phẩm sinh thái có thể gia tăng doanh thu và lợi nhuận, bởi vì khách hàng ngày nay thích tiêu dùng những sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Do tính xác thực của quy trình sản xuất và nguyên liệu thô, số lượng người tiêu dùng phản hồi về sản phẩm thân thiện môi trường đã tăng lên. Như vậy, sự gia tăng số lượng khách hàng sẵn sàng cam kết là yếu tố cần thiết để tăng số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm xanh. Chất lượng sản phẩm thân thiện môi trường cho phép các DNNVV có thể dễ dàng thành công hơn với hiệu suất cao hơn.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng hình thức khảo sát và phỏng vấn trực tuyến 4 nhà quản trị cấp cao của các DNVVN trong các ngành sản xuất tại thị trường Việt Nam nhằm thu thập dữ liệu phục vụ phân tích cho nghiên cứu. Nội dung phỏng vấn xoay quanh thực trạng triển khai năng lực đổi mới sinh thái ở các khía cạnh: đổi mới quy trình sinh thái và đổi mới sản phẩm sinh thái. Thời gian thực hiện phỏng vấn diễn ra vào tháng 12/2023. Thông tin về các đối tượng phỏng vấn thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1: Thông tin đối tượng phỏng vấn được sử dụng trong nghiên cứu

Người tham gia

Vị trí

Số lao động (người)

Quy mô doanh nghiệp

Ngành hàng

P1

Chủ sở hữu

5

Nhỏ

Thực phẩm và đồ uống

P2

Chủ sở hữu

150

Vừa

Dược phẩm và chăm sóc sức khỏe

P3

Chủ sở hữu

40

Nhỏ

Sản phẩm vệ sinh và mỹ phẩm

P4

Quản lý kinh doanh và vận chuyển

200

Vừa

Nội thất

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả triển khai năng lực đổi mới sản phẩm thân thiện môi trường

Kết quả khảo sát phản hồi ý kiến trả lời của các đối tượng phỏng vấn trong nghiên cứu của tác giả cho thấy, doanh nghiệp triển khai đổi mới sản phẩm thân thiện môi trường để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đổi mới theo hướng xanh hóa sản phẩm được thực hiện mỗi ngày và được xem là một phần quan trọng trong hệ thống vận hành của doanh nghiệp. Khách hàng ngày nay trung thành hơn với những sản phẩm thân thiện với bản thân họ và môi trường, cũng như an toàn trong sử dụng. Một sản phẩm độc nhất và vượt trội có thể giúp doanh nghiệp duy trì vị thế và lợi nhuận trên thị trường. Cụ thể, có 2 đối tượng phỏng vấn (P1) và (P4) cho biết:

(1) “Bột trang trí bánh của chúng tôi được làm từ bánh cookies tái chế không bán được và được nghiền ra. Chúng tôi sử dụng các nguyên liệu hiện tại để tránh mọi sự lãng phí đối với sản phẩm chính, thêm vào đó, tất cả các thành phần làm bánh được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh” (P1).

(2) “Công ty chúng tôi luôn chào đón những người không muốn sử dụng đệm cũ và bán lại cho chúng tôi. Đệm cũ sau khi mua về sẽ được chuyển đổi thông qua một quá trình tái chế. Công ty có một chiến lược đổi mới sản phẩm độc nhất để chuyển đổi những chiếc đệm cũ thành những sản phẩm đệm mới tuyệt vời và được khách hàng đón nhận” (P4).

Phản hồi của các nhà quản trị P1 và P4 cũng khuyến nghị rằng, các DNNVV nên sử dụng các nguyên liệu hiện tại để tạo ra các sản phẩm mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc triển khai đổi mới với những nguồn lực mới sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng xấu tới DNNVV, do vậy nên tận dụng các nguồn lực hiện tại để phát triển sản phẩm mới.

Kết quả triển khai năng lực đổi mới quy trình thân thiện môi trường

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra phương thức mà các DNNVV triển khai thực hiện để đổi mới quy trình thân thiện môi trường trong sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, và tái sản xuất. Theo đó, DNNVV thực hiện quản trị các quy trình đổi mới một cách có hiệu suất và hiệu quả, từ đó, cho phép ngăn chặn chất thải lỏng và rắn, cũng như rò rỉ năng lượng. Cụ thể, 2 nhà quản trị P1 và P4 giải thích về hoạt động tái chế như sau:

(1) “Quy trình của chúng tôi là tái chế các sản phẩm hiện tại thành các sản phẩm khác, như: bột nấu ăn và bột làm bánh. Chúng tôi không muốn lãng phí nguyên liệu mới, vì điều này có thể làm tăng chi phí” (P1).

(2) “Có nhiều bước trong quy trình khi chúng tôi tạo ra một chiếc đệm mới hoặc nội thất mới. Do vậy, chúng tôi chấp nhận sử dụng những tấm đệm cũ và tái chế chúng, điều này bắt buộc chúng tôi phải thay đổi quy trình sản xuất, thông qua đó lượng rác thải rắn cũng được hạn chế và ngăn chặn” (P4).

Qua phản hồi của nhà quản trị P1 và P4 cho thấy, 2 nhà quản trị này đồng ý rằng tái chế và tái sản xuất sản phẩm có ảnh hưởng tới việc đổi mới quy trình theo hướng thân thiện môi trường. Bằng cách triển khai các thực hành tái sử dụng và tái chế trong tổ chức và tham gia vào các hoạt động R&D, các nhà quản trị này đã đưa đổi mới quy trình thân thiện môi trường vào trong thực tiễn thực hành, mà doanh nghiệp đang thực hiện. Đầu tư vào R&D và vận hành sản xuất nhấn mạnh tới kết quả là đạt được hiệu quả chi phí, trong khi vẫn đạt được mục tiêu của cộng đồng và khách hàng về tính bền vững môi trường. Kết quả phỏng vấn cho thấy, phản hồi về hoạt động R&D, 2 nhà quản trị P3 và P4 cho biết:

(1) “Liên quan tới quy trình, chúng tôi đã đầu tư nhiều vào R&D nhằm hướng tới đảm bảo một sản phẩm thân thiện môi trường cho người sử dụng. Trách nhiệm của chúng tôi là nghiên cứu và phát triển nhằm hướng tới cải thiện tính hiệu quả”. (P2).

(2) “Doanh nghiệp đã nhận được vô số lời phàn nàn và khuyến nghị từ phía khách hàng về sản phẩm và chúng tôi quyết định thực hiện một số nghiên cứu về thành phần, vì chúng tôi muốn phát triển và gia tăng thêm các thành phần kháng khuẩn cho sản phẩm chính”(P3).

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lực đổi mới sinh thái góp phần tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giúp sản phẩm của doanh nghiệp trở nên thân thiện với môi trường và thu hút khách hàng trung thành hơn. Các DNNVV thực hiện năng lực đổi mới sinh thái trên 2 khía cạnh là: đổi mới sản phẩm và quy trình theo hướng thân thiện môi trường thông qua việc sử dụng các nguồn lực hiện tại và tái chế sản phẩm, cũng như thông qua quy trình tái chế, tái sử dụng và đầu tư vào hoạt động R&D. Từ các phát hiện nghiên cứu về các khía cạnh của năng lực đổi mới sinh thái, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị cụ thể như sau:

- Triển khai đổi mới sản phẩm thân thiện môi trường làm gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp (Ceptureanu và cộng sự, 2020). Quản trị vòng đời sản phẩm có thể được sử dụng bởi DNNVV để cải thiện sản phẩm mới và có đóng góp vào hiệu quả bền vững và môi trường của doanh nghiệp. Các DNNVV có thể khai thác các nguồn lực hiện tại gắn liền với tình trạng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các DNNVV cũng phải thường xuyên theo dõi nguồn lực hiện tại để cải thiện hiệu quả và đảm bảo cho việc sử dụng trong tương lai. Đổi mới sản phẩm thân thiện sinh thái có vai trò quan trọng với sự thành công của DNNVV. Nó cho phép doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công và thiết lập một vị thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hiện tại.

- Quá trình đổi mới sinh thái được mô tả trong quá trình sản xuất nhằm mục đích giảm tác động đến môi trường, trong khi vẫn duy trì tính bền vững. Các DNNVV tại thị trường Việt Nam có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào hoạt động R&D để hướng tới quy trình sản xuất hiệu quả, nhằm tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Đổi mới quy trình sinh thái cũng thúc đẩy tái chế và tái sử dụng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích từ chiến lược đổi mới sinh thái. Sự phát triển của việc đổi mới quy trình sinh thái đại diện cho một phương pháp giảm tiêu thụ nguồn lực và kiểm soát chất thải rắn và lỏng được sản sinh ra trong quá trình sản xuất. Việc thay thế các vật liệu và thiết bị kém hiệu quả có thể được tăng cường nhờ đổi mới quy trình này, đóng vai trò là hướng dẫn cho các DNNVV đang tìm cách tăng hiệu quả sản xuất./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ceptureanu, Sebastian Ion, Eduard Gabriel Ceptureanu, Doina Popescu, and Olguta Anca Orzan (2020), Eco-innovation Capability and Sustainability Driven Innovation Practices in Romanian SMEs, Sustainability, 12(17), 7106.

2. Fethi, Sami, and Abdulhamid Rahuma (2020), The impact of eco-innovation on CO2 emission reductions: Evidence from selected petroleum companies, Structural Change and Economic Dynamics, 53, 108–115.

3. Fernando, Yudi, Charbel Jose Chiappetta Jabbour, and Wen-Xin Wah (2019), Pursuing green growth in technology firms through the connections between environmental innovation and sustainable business performance: Does service capability matter? Resources, Conservation and Recycling, 141, 8–20.

4. Jiang, Wenbo, Huaqi Chai, Jing Shao, and Taiwen Feng (2018), Green entrepreneurial orientation for enhancing firm performance: A dynamic capability perspective, Journal of Cleaner Production, 198, 1311–1123.

5. Kumar, Anuj, and Nishu Ayedee (2021), An interconnection between COVID-19 and climate change problem, Journal of Statistics and Management Systems, 24, 281–300.

6. Larbi-Siaw, Otu, Hu Xuhua, Ebenezer Owusu, Abigail Owusu-Agyeman, Brou Ettien Fulgence, and Samuel Akwasi Frimpong (2022), Eco-innovation, sustainable business performance and market turbulence moderation in emerging economies, Technology in Society, 68, 101899, DOI: 10.1016/j.techsoc.2022.101899.

7. Rennings, Klaus (1998), Towards a Theory and Policy of Eco-Innovation-Neoclassical and (Co-) Evolutionary Perspectives, Center for European Economic Research (ZEW), Discussion Paper, No. 98-24.

8. Sehnem, Simone, Adriane A. Farias S. L. de Queiroz, Susana Carla Farias Pereira, Gabriel dos Santos Correia, and Edson Kuzma (2022), Circular economy and innovation: A look from the perspective of organizational capabilities, Business Strategy and the Environment, 31, 236–250.

9. Sund, Kristian J., Marcel Bogers, J. Andrei Villarroel, and Nicolai J. Foss (2016), Managing tensions between new and existing business models, MIT Sloan Management Review, 57, 8–10.

10. Toha, Md. Abu, Satirenjit Kaur Johl, and Parvez Alam Khan (2020), Firm’s Sustainability and Societal Development from the Lens of Fishbone Eco-Innovation: A Moderating Role of ISO 14001–2015 Environmental Management System, Processes, 8(9), 1152, DOI:10.3390/pr8091152.

11. Yun, JinHyo Joseph, and Xiaofei Zhao (2020), Business Model Innovation through a Rectangular Compass: From the Perspective of Open Innovation with Mechanism Design, Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity, 6(4), 131.

12. Zhang, Yue-Jun, Yu-Lu Peng, Chao-Qun Ma, and Bo Shen (2017), Can environmental innovation facilitate carbon emissions reduction? Evidence from China, Energy Policy, 100, 18–28.

Ngày nhận bài: 21/3/2024; Ngày phản biện: 27/3/2024; Ngày duyệt đăng: 12/4/2024