Vẫn chưa được đối xử bình đẳng

Tại một hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết, "doanh nghiệp nhỏ và vừa dân doanh chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".

Nhiều doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội phát triển khi gần đây đã xuất hiện chủ nghĩa thân hữu. Hơn nữa, thủ tục hành chính phiền hà vẫn cản trở đối với khu vực kinh tế này, bà Hằng nhận xét thêm.

Theo bà Hằng, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ, và vừa chiếm tới gần 97,7% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến năm 2012. Tuy nhiên, họ chỉ chiếm vỏn vẹn khoảng gần 42% tổng vốn.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của nền kinh tế, tương ứng với 870 ngàn tỉ đồng trong năm 2013.

Chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố có đơn vị đầu mối trực thuộc sở kế hoạch và đầu tư hoặc cấp tương đương chuyên trách chức năng trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Hơn nữa, các tỉnh này chỉ có trung bình 2-3 cán bộ chuyên trách công tác trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, trong quá trình tham gia xây dựng văn bản, khu vực kinh tế tư nhân còn ít được tham gia vào quá trình soạn thảo các chính sách và văn bản pháp luật.

Kết quả cuộc khảo sát thực tiễn tham gia xây dựng chính sách và pháp luật tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa do VCCI tiến hành mới đây cho kết quả: Chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam sẵn sàng góp ý tất cả các dự thảo về chính sách và pháp luật, 45% sẽ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh, 32% tham gia nếu các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp và 4% doanh nghiệp không có nhu cầu tham gia góp ý.

Điều này khiến cho việc xây dựng, soạn thảo văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Một số văn bản còn xa rời thực tiễn, chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy hết tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Một lý do gián tiếp khiến hoạt động tham vấn được ít doanh nghiệp quan tâm đó là sự lạm quyền của các cơ quan hành pháp. Việc “vừa đá bóng, vừa thỏi còi” khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc đóng góp ý kiến.

Gần đây, các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn triền miên. Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế trong 8 tháng đầu năm nay trên cả nước là 44.500 đơn vị, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, có khoảng gần 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong vòng 4 năm gần đây.

Khuyến khích tham gia xây dựng thể chế

Tại Hội thảo “Vai trò khu vực tư nhân và tổ chức xã hội trong tăng trưởng hòa nhập”, bà Claire Pierangelo, Đại biểu lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khuyến cáo, các vấn đề về quản trị nhà nước và khả năng cạnh tranh vẫn là những thách thức lớn cho quá trình phát triển và khả năng hội nhập hơn nữa vào thị trường quốc tế của Việt Nam.

Do đó, bà Claire Pierangelo cho biết, USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi thành một đối tác có trách nhiệm và có sự tham gia nhiều hơn của mọi thành phần nhằm tăng trưởng bền vững và sâu rộng.

Thông qua hợp tác trực tiếp với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác, bao gồm khối tư nhân, USAID hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thân thiện với môi trường, dựa trên nền tảng pháp quyền và hội nhập thị trường quốc tế.

Những hỗ trợ này bao gồm; hỗ trợ nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và thúc đẩy sự tham gia của người dân trong các quá trình xây dựng chính sách và quản lý công, hỗ trợ xúc tiến các cơ hội kinh tế cho nhiều thành phần, đặc biệt cho nhóm dân cư ít có đại diện và bị thiệt thòi; đồng thời, thúc đẩy nâng cao vị thế của phụ nữ.

Hỗ trợ liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trọng tâm chính của chương trình này do sẽ có nhiều cơ hội thực hiện cải cách dự kiến có thể sẽ xuất hiện theo yêu cầu của TPP, một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao đang trong giai đoạn đàm phán.

Hơn nữa, về xây dựng khung thể chế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá trình tham gia xây dựng văn bản, phải đảm bảo tính khách quan và chuyển dần từ các cơ quan chuyên ngành xây dựng pháp luật sang các cơ quan chuyên trách của Quốc hội trên cơ sở nâng cao về số lượng và chất lượng của các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Khi xây dựng pháp luật, cần chú ý xây dựng theo hướng thuận lợi nhất cho những người thụ hưởng, chứ không phải là để thuận lợi, thuận tiện cho các cơ quan quản lý.

Các dự thảo văn bản pháp luật đưa ra lấy ý kiến cũng cần đi vào thực chất, tránh tình trạng, xin ý kiến “cho vui”. Muốn vậy, những diễn đàn hay cơ chế lấy ý kiến như vậy cần được hệ thống và thể chế hóa./.