Giá trị thương hiệu chiếm tới 1/3 giá trị kinh tế toàn cầu

Theo báo cáo "Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế: Xu hướng và giải pháp” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 5/11/2014, thương hiệu và sở hữu trí tuệ đang ngày càng chi phối giá trị của mỗi sản phẩm toàn cầu. Chỉ riêng giá trị thương hiệu ngày nay đã chiếm đến 1/3 giá trị nền kinh tế toàn cầu.

Lý do dẫn đến sự lớn mạnh trên, bởi thương hiệu là yếu tố quan trọng tác động đến hành vi mua của khách hàng. Theo nghiên cứu của Trường Harvard Business School về thương hiệu, thì có 72% khách hàng chấp nhận trả cho thương hiệu mà họ yêu thích cao hơn 20% so với thương hiệu khác; 50% khách hàng chấp nhận trả cao hơn 25% và 40% khách hàng chịu trả cao hơn 30%.

Thực tế trên thế giới đã chứng minh, nhờ có thương hiệu tốt mà khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp được củng cố, doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp được nâng cao. Một ví dụ điển hình nhất là Coca - Cola, khi những thứ đồ uống sản xuất từ cây cô ca không còn là một bí mật nữa, thì thay vì sản xuất trực tiếp và phân phối, Công ty này đã chuyển sang nhượng quyền thương hiệu ở hàng trăm quốc gia trên thế giới để kiếm lời, bởi Coca – Cola đã trở thành một thương hiệu mạnh, chiếm được lòng tin của khách hàng (giá trị thương hiệu năm 2015 lên tới hơn 85 tỷ USD). Một số thương hiệu nổi tiếng khác cũng không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, như: Microsoft, IBM, BMW, Shell, Louis Vuiton, GUCCI, Dove, Tide…

Song, doanh nghiệp Việt vẫn chưa tìm được “lối”

Ở Việt Nam, mặc dù đã nhận biết được tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp từ rất lâu, song sự quan tâm này mới chỉ ở mức độ mờ nhạt.

Kết quả khảo sát của Viện Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho thấy, có khoảng 90% ý kiến doanh nghiệp đều đồng tình thương hiệu quan trọng hơn cả năng lực tài chính, nhưng lại có hơn 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiếu chiến lược phát triển thương hiệu.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn "loay hoay" trong việc xây dựng thương hiệu

Theo phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng dành chi phí đầu tư cho hoạt động xây dựng thương hiệu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Lý Trường Chiến, Tổng Giám đốc Trí Tri Group cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam lâu nay làm thương hiệu theo cảm tính, tức làm theo hứng thú hoặc làm vì lo lắng, mà quên rằng đây phải là một chiến lược dài hơi. Chính vì vậy, làm thương hiệu không đúng, không đủ và không đều. Chưa hết, khi có “bệnh”, doanh nghiệp cũng tìm đến chuyên gia tư vấn tương tự như đi gặp bác sĩ để lấy thuốc điều trị, nhưng lại không đủ dũng khí theo đúng phác đồ điều trị, cũng như không cập nhật tình hình bệnh trạng cho người trị bệnh.

“Trong nhiều trường hợp, các ông chủ sớm buông bỏ, không theo đến cùng. Nhiều người còn giao luôn cho nhà tư vấn làm thay”, ông Chiến chia sẻ.

Thừa nhận về việc ít quan tâm đến thương hiệu, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai chia sẻ, những doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp như công ty ông ít quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, cũng không biết phải làm thương hiệu như thế nào. Thế nên trước năm 2010, công ty ông không dám giới thiệu sản phẩm là do mình làm ra. Có những thời điểm phải xuất hàng không gắn thương hiệu sang cho đối tác ở Singapore, sau đó hàng được xuất ngược trở lại Việt Nam với tư cách là hàng ngoại nhập giá cao. Trong mọi cuộc đấu thầu cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, công ty ông cũng bị loại vì yêu cầu “chỉ mua hàng từ các nước G7”.

“Sản phẩm được khách hàng quảng cáo truyền miệng chứ chúng tôi thực sự chưa làm gì để quảng bá thương hiệu ngoài vài mẩu quảng cáo trên báo và biển hiệu ngoài trời. Lâu nay tôi vẫn nghĩ làm thương hiệu là tốn chi phí chứ không nghĩ đó là một khoản đầu tư”, ông Trọng chia sẻ.

Cần phải làm gì?

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Chính vì vậy, phát triển thương hiệu là con đường buộc các doanh nghiệp phải hướng tới để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Nhận định về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, Tổng Giám đốc Công ty T&A Ogilvy, trong bối cảnh hội nhập và vào thời điểm nhiều hiệp định thương mại quan trọng chuẩn bị có hiệu lực, việc xây dựng thương hiệu quan trọng hơn bao giờ hết. Xây dựng thương hiệu tốt để bán được hàng nhiều nhất và tên tuổi của sản phẩm, doanh nghiệp in sâu trong tâm trí người tiêu dùng.

“Nếu chúng ta còn chưa chú ý thì chỉ chừng 3 năm nữa, tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải chịu áp lực cạnh tranh về thương hiệu từ các doanh nghiệp Thái Lan hay Malaysia”, ông Sơn cảnh báo.

Theo ông Sơn, xét ở các khía cạnh của một sản phẩm cạnh tranh gồm: nguồn nhân lực, sự thông hiểu địa phương, tinh thần dân tộc, công nghệ, tài chính và kỹ năng quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam đang thua ở hầu hết các yếu tố. Nếu không bắt đầu ngay lập tức, sản phẩm Việt Nam sẽ khó lòng chạm vào túi tiền của người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng trẻ bị ảnh hưởng mạnh bởi tính toàn cầu.

Ông Sơn nhấn mạnh, không có mô hình chung cho việc phát triển thương hiệu. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần tự xây dựng một thương hiệu mang phong cách của sản phẩm, cũng như của doanh nghiệp mình. Trên con đường đó, ông chủ doanh nghiệp chính là người chủ trì của chiến lược thương hiệu, không phải là giám đốc tiếp thị. Cũng trên con đường đó, tốc độ không bằng quyết tâm, bởi đây là một quá trình dài hơi, liên tục, không phải một sớm một chiều. Quan trọng hơn, chiến lược thương hiệu không chỉ là quảng cáo mà còn là năng lực nội tại của doanh nghiệp, là sự kết nối với người tiêu dùng bằng những câu chuyện, bằng cảm xúc...

Cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Lý Trường Chiến cho biết, doanh nghiệp muốn làm thương hiệu thì việc tiên quyết là phải có tư duy chiến lược, nghĩa là biết mình muốn gì, trở thành gì trong tương lai và kiên trì với mục tiêu đó. Khi đã có tư duy chiến lược thì có thể nhờ đến chuyên gia tư vấn để quá trình đó nhanh hơn, mạnh hơn, song không thể phụ thuộc quá nhiều vào nhóm chuyên gia này.

“Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, doanh nghiệp bắt đầu tuy có muộn, nhưng còn hơn là không làm gì”, ông Chiến nêu ý kiến.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì các chuyên gia cũng kiến nghị, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thông tin về thị trường và nâng cao năng lực xây dựng chiến lược về thương hiệu thông qua các chương trình đào tạo. Cần tăng cường quản lý kiểm soát các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông sản, cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyên truyền cho chính thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, phải có chiến lược huy động nguồn lực xã hội để đầu tư toàn diện về mọi mặt để nâng cao kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, cũng như nới lỏng hơn khung pháp lý liên quan đến chi phí trong công tác truyền thông, maketting./.

Tổng hợp từ:

http://www.baohaiquan.vn/pages/dn-con-thieu-quan-tam-den-xay-dung-thuong-hieu.aspx

http://www.thesaigontimes.vn/129361/Lam-thuong-hieu-thoi-hoi-nhap.html

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/149891/canh-tranh-noi---ngoai-va-van-de-bao-ho.html

http://vneconomy.vn/chuyen-kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-kho-xay-thuong-hieu-lon-62547.htm