Cụ thể, vốn điều lệ của COMA là 350 tỷ đồng. Cổ phần phát hành lần đầu 35.000.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.

Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17.850.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ, đến năm 2018, thực hiện bán tiếp phần vốn nhà nước còn 40% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 là 1.309.000 cổ phần, chiếm 3,74% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 10.500.000 cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai là 5.340.100 cổ phần, chiếm 15,26% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại COMA là Bộ Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bảo đảm đúng theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật liên quan.

Trước đó, theo Quyết định số 716/QĐ-BXD, ngày 28/06/2015 của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 01/7/2014 là 1.689,3 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 239,7 tỷ đồng.

Căn cứ kế hoạch đầu tư dự án của COMA giai đoạn 2015-2017, nhu cầu vốn tự có (chiếm 30% tổng nhu cầu vốn đầu tư) là 119,6 tỷ đồng. Như vậy, COMA sẽ cần thêm 110,3 tỷ đồng vốn tự có huy động thông qua phát hành cổ phiếu.

Ngày 30/6/2014, báo cáo tài chính của tổng công ty cho biết, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 11 lần (1.408 tỷ đồng/124 tỷ đồng). Như vậy, với mức vốn điều lệ xác định là 350 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý./.