Ngày 06/01/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Tham vấn Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020”.

Chính sách nhiều, song hưởng lợi chẳng được bao nhiêu

Theo bà Nguyễn Việt Huệ, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm vừa qua, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm, nguồn thu ngân sách, thu nhập cho người lao động và an sinh xã hội.

Hiện, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa càng phát triển, đồng nghĩa với việc các nguồn lực tổng thể của xã hội được huy động và sử dụng hiệu quả, từ đó đáp ứng mục tiêu ích nước, lợi nhà”, bà Huệ đánh giá.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, các biện pháp hỗ trợ khối doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Đông cho biết, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung thì rất nhiều, song hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất hạn chế. Chỉ có hai chương trình xác định đối tượng cụ thể là: (1) Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Chương trình hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015.

Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có việc còn tản mát, mỗi bộ hỗ trợ một kiểu, không sâu chuỗi được với nhau. Chính vì vậy, mà xảy ra tình trạng có doanh nghiệp được hưởng một ít hỗ trợ về thị trường của Bộ Công Thương, nhưng thiếu về hỗ trợ tư vấn của Bộ tư pháp. Trong khi một doanh nghiệp muốn phát triển tốt, thì phải được hỗ trợ toàn diện từ nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thị trường đầu ra...

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện Nghiên cứu Phát triển doanh nghiệp cho biết, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói chung vẫn chưa sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung “khuyến khích”, thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Ở chiều ngược lại, ông Quân cho biết, năng lực hấp thụ nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: năng lực hấp thụ vốn và công nghệ mới... cũng là một trong những trở ngại lớn cản trở khối doanh nghiệp này thực hiện chính sách. Điều này tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp nhận kết nối, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, cùng với những yếu kém nội tại của bản thân doanh nghiệp, đã gây ra tình trạng hàng Việt, doanh nghiệp Việt thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có trọng tâm, trọng điểm

Để hạn chế những tồn tại của chính sách hỗ trợ giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến tham vấn về Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Kế hoạch gồm có 16 chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: đào tạo nguồn nhân lực, trợ giúp thông tin, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các vụ án tranh chấp kinh doanh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo... Dự kiến, tổng kinh phí trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020 là gần 3 nghìn tỷ đồng.

Góp ý cho Kế hoạch, Thứ trưởng Đông cho biết, giai đoạn 2016-2020, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để doanh nghiệp tận dụng, thụ hưởng.

Đặc biệt, Thứ trưởng cho biết, các chương trình hỗ trợ cần tập trung ưu tiên các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao, cũng như có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết, năm 2016 sẽ là năm của doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế của các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo hiện nay là thiếu vốn. Chính vì vậy, ông Tuấn kiến nghị, cần có thêm nhiều quỹ đổi mới, sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm để các doanh nghiệp này có nguồn vốn đầu tư.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được thụ hưởng nhiều về các chương trình hỗ trợ. Chính vì vậy, các nội dung hỗ trợ cần cụ thể hơn và tập trung vào những gì doanh nghiệp cần, đi vào thực chất và hết sức tránh hình thức hay manh mún. Việc xây dựng và thực thi chính sách cần có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan và địa phương để có sự đồng thuận và phát huy tác dụng, hiệu quả cao nhất./.