Ngày 15/06/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Điều kiện kinh doanh 2017”.

Tạo nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, điều kiện kinh doanh vẫn tạo ra khó khăn, gánh nặng chi phí, thậm chí là rủi ro lớn cho người kinh doanh.

Ông Hiếu giải thích, hiện nay có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng, cấu trúc phức tạp.

“Về hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, nó có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức rất khó để nhận diện, như: nộp đơn xin phép, hay thông báo cho cơ quan quản lý, nhưng phải được chấp thuận, thì mới được hoạt động…”

Điều kiện kinh doanh có nhiều hình thức rất khó để nhận diện

Bên cạnh đó, khi đã đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chứng minh bằng việc xin một cái giấy nào đấy để xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo đó, để xin được giấy phép, các doanh nghiệp lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính.

“Đôi khi điều kiện quy định 1 đằng, hồ sơ giấy tờ yêu cầu lại khác, thậm chí theo hướng yêu cầu nhiều hơn so với điều kiện”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chưa hết, khi xin được giấy rồi, doanh nghiệp lại bị giới hạn bởi thời gian kinh doanh quy định như 5-10 năm. Sau thời gian đó lại phải tiếp tục xin lại.

“Điều này gây ra gánh nặng chi phí về mặt thời gian và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Bởi, nhiều khi làm xong được giấy phép kinh doanh, thì đã mất cơ hội kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

Đồng tình với ý trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cải cách về điều kiện kinh doanh đã được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, có thể nhận thấy là vấn đề này càng đi càng rối, càng cải cách, thì càng không đạt được mục tiêu.

“Bởi, điều kiện kinh doanh bây giờ phức tạp và tinh vi hơn trước, thậm chí có những điều kiện có xu hướng áp đặt cứng nhắc các tiêu chí không phù hợp như phải sở hữu hệ thống hạ tầng quá lớn, lãnh đạo phải có bằng cấp… Chúng nằm rải rác với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cho biết về những lý do các điều kiện kinh doanh này tồn tại, thậm chí là gia tăng, đó là: các cơ quan nhà nước dùng các điều kiện kinh doanh để phục vụ cho quản lý nhà nước, thay vì các mục tiêu, như: bảo vệ người tiêu dụng, hay bảo đảm trật tự an ninh xã hội…; Mục tiêu để loại các đối thủ cạnh tranh (hiện nay có dấu hiệu các doanh nghiệp lobby cho một số bộ ngành đặt ra giấy phép kinh doanh để loại đối thủ cạnh tranh, ví dụ như nghị định về điều kiện kinh doanh khí gas); hay là mục tiêu tạo quyền lợi cho nhóm cho doanh nghiệp hoặc 1 cơ quan quản lý nhà nước…

Thành lập cơ quan độc lập “cắt xén” các điều kiện kinh doanh

Để giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, tác động không cân xứng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ giới hạn quy định về điều kiện kinh doanh, mà tất cả các quy định pháp luật khác.

Trong đó, ông Hiếu nhấn mạnh đến việc thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện rà soát, “cắt xén” các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật không hợp lý.

Ngoài ra, cũng cần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ liên quan; thay đổi tư duy quản lý bằng mọi giá bằng tư duy quản lý không gây ảnh hưởng đến kinh doanh và xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, những điều kiện này can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp quá nhiều, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh này, cần phải có cơ chế độc lập để đánh giá những tác động mà doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng vì những điều kiện này.

“Bởi hiện nay việc đánh giá tác động được các đơn vị soạn thảo đưa ra rất hình thức”, ông Tuấn khuyến nghị.

Đại diện cho Hiệp hội Logistics Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp cũng cho biết: “Chúng tôi rất hiểu, có những điều kiện kinh doanh rất cần thiết, không thể loại bỏ để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội… Tuy nhiên, đối với những rào cản không cần thiết, nhưng bị các cơ quan quản lý lợi dụng đưa ra với những mục đích không chính đáng, thì kiến nghị Nhà nước phải kiên quyết loại bỏ”./.