Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC Quốc tế tổ chức “Hội thảo APEC về thúc đẩy sự sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ngày 02/10/2017-03/10/2017.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng xu hướng đi lên của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã cho thấy sự thích ứng và bắt kịp tốc độ phát triển, đạt được dấu ấn riêng của mình trên thị trường. Đi cùng với đó, sự sáng tạo đóng vai trò quan trọng vì nó là cơ sở thiết yếu để các doanh nghiệp mới này thành lập phát triển và cạnh tranh trên thị trường.

Sự sáng tạo ở đây không chỉ bao gồm các yếu tố về công nghệ, mà còn là các yếu tố phi công nghệ, vốn được lồng ghép trong nhiều lĩnh vực phức tạp, như: đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, hệ thống giáo dục, nghiên cứu và phát triển, các hệ thống quản lý, quyền sở hữu trí tuệ...

“Với tính chất phức tạp đó, sự sáng tạo cần được thúc đẩy như là một chính sách và chiến lược dài hạn cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của cả chính phủ và doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp thành lập mới, vì phần lớn các doanh nghiệp này sử dụng các kỹ thuật công nghệ để thiết kế, xây dựng và bán sản phẩm, dịch vụ mới”, ông Thái cho biết.

Các đại biểu tại hội thảo

Đồng tình với ý kiến trên, ông Jerry Ho, Hiệp hội thương mại doanh nghiệp nhỏ và vừa của APAC cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo. Trong đó, ông Jerry Ho nhấn mạnh về sự tương tác của chính phủ và doanh nghiệp.

“Đối với chính phủ cần phải đổi mới giáo dục để làm sao có đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp một cách hiệu quả. Đồng thời có các chính sách khuyến khích khởi nghiệp phù hợp để giúp đỡ doanh nghiệp phát triển và kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Jerry Ho cho biết.

Còn với doanh nghiệp, ông Jerry Ho cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có phương pháp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của chính phủ và kế hoạch để đổi mới. Đồng thời để ý đến các yếu tố về tốc độ, phân phối ở giai đoạn sau của chặng đường kinh doanh.

Ông Tom Moyes, Giám đốc dự án tiếp cận tín dụng MBI cũng cho rằng cần tập trung vào hệ sinh thái, trong đó các nhà đầu tư, vươn ươm doanh nghiệp phải có mối quan hệ gần gũi hơn đối với chính phủ.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Tom Moyes cho rằng, các doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, bởi trong quá trình kinh doanh, công nghệ luôn thay đổi, do đó phải luôn thích nghi với mọi sự thay đổi và không nên tự hài lòng với hiện tại.

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại, ông Peter Willimott, chuyên gia cao cấp của văn phòng WIP tại Singapore cho rằng, các doanh nghiệp nên chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ các tài sản vô hình, bởi khi cân nhắc đầu tư cho 1 dự án, việc những phát minh sáng kiến đó được bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ ghi điểm với các nhà đầu tư hơn.

“Khi start up có sở hữu trí tuệ sẽ là một lợi thế cạnh tranh đối với start up đó. Bởi, điều này cho thấy, công ty đó có tài sản và họ quý trọng cái tài sản ấy”, ông Peter Willimott nhấn mạnh.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp của APEC, ông Nguyễn Văn Trúc, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, các nước cần phối hợp xây dựng các nhóm đổi mới sáng tạo trong APEC. Bên cạnh đó có thể thành lập câu lạc bộ các nhà đầu tư khởi nghiệp APEC để kết nối, lôi kéo được các nhà đầu tư đầu tư cho khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hay có thể thành lập sàn giao dịch chứng khoán dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để giúp họ tìm vốn./.