TP. Hồ Chí Minh thu hút 1,92 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng qua

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Cả nước có 883 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,55 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2017. Có 303 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,24 tỷ USD, bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Một trong những nguyên nhân khiến cho dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước đó là những tháng đầu năm chưa có dự án “khủng”, trị giá tỷ USD đăng ký vào Việt Nam. Quy mô các dự án đang duy trì ở mức khoảng 500 triệu USD hoặc nhỏ hơn.

Xét về thu hút FDI theo từng lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được vốn đầu tư FDI lớn nhất trên tổng số 17 ngành, lĩnh vực có hoạt động thu hút FDI. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được tổng vốn đăng ký đạt 4,52 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Theo sau là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 779 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xét theo đối tác đầu tư, có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 2,32 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 1,29 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 808 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.

Về địa bàn đầu tư, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 1,92 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,03 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư, theo sau là Hà Nội với tổng số vốn đăng ký 746 triệu USD, chiếm 9,25% tổng vốn đầu tư./.