Tại Hội nghị giao ban sản xuất ngày 24/06/2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, nền kinh tế đang phục hồi rõ nét, tăng trưởng đang rất chắc chắn nhờ công lớn của ngành công nghiệp.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự ước tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; dịch vụ tăng 6,18%; công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng cao nhất, 8,36%.

Trong 6 tháng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh với mưc 9,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%).

Đặc biệt, nếu nhìn vào tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) những tháng đầu năm 2015 (tháng 2 tăng 7%; tháng 3 tăng 9,1%; tháng 4 tăng 9,5%; tháng 5 tăng 9,2%), có thể thấy rằng, IIP trong tháng 6/2015 đã đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2015.

Trong mức tăng chung đó, đóng góp chủ yếu vẫn thuộc về 04 ngành hàng công nghiệp cấp 1. Cụ thể là: Sản xuất và phân phối điện tăng 11,2 %, (tăng 0,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% (tăng 2,2%); Công nghiệp khai khoáng tăng 8,2% (tăng 5,7%); Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4% (tăng 0,5%).

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng của IIP 6 tháng năm 2015 vẫn thuộc về ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất và phân phối điện.

Trong ngành chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ trong tháng 5/2015 tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 9,3% so với cùng kỳ của tháng 4).

Tính chung 5 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất sợi tăng 27,8%, sản xuất bê tông tăng 28,7%, sản xuất sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng 30,6%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 42,9%, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 31,6%, sản xuất xe có động cơ tăng 35,5%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/6/2015 tăng 11,8% so với cùng thời điểm năm 2014. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là chế biến thủy sản, chế biến sữa, sản xuất bia, sản xuất giày dép, sản xuất phân bón, sản xuất xi măng và bê tông, sản xuất cấu kiện kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành công nghiệp khai khoáng cũng đóng góp khá lớn. Theo đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng đến 8,2%, trong khi cùng thời điểm năm 2014, ngành này chỉ tăng 2,5%. Hơn nữa, tỷ trọng ngành này chiếm tới 7% GDP. Mức tăng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí (dầu mỏ thô khai thác trong nước tăng 11%; khí hóa lỏng tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2014).

Bên cạnh đó, đại diện của Tổng cục Thống kê cho rằng, việc thị trường bất động sản đang ấm dần lên khiến lĩnh vực xây dựng tăng theo, cụ thể là thép (thép cán tăng 18,2%; xi măng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014) và một số ngành vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể đã góp phần không nhỏ đối với tốc độ tăng chung của IIP 6 tháng đầu năm 2015.

Phân tích sâu về cơ cấu sản xuất công nghiệp, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương cho biết, ngành sản xuất, phân phối điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm điện tiêu dùng và điện sản xuất. Điều này chứng tỏ, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có nhiều tiến triển, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng đang tăng lên.

Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp, theo bà Hiền, những nhóm hàng, như: may mặc, da giày, điện tử... trong 6 tháng cuối năm 2015 sẽ phát triển tốt do có đơn hàng và thị trường ổn định.

“Đối với nhóm hàng tiêu dùng, như: bia rượu nước giải khát, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, trong 6 tháng cuối năm 2015 có sự tăng trưởng tốt, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên và tình hình thời tiết thuận lợi”, bà Hiền nhận định.

Tuy nhiên, theo đại điện Bộ Công Thương, trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp cũng đứng trước một số rủi ro do sự hồi phục của kinh tế tế giới còn yếu, thị trường tiêu thụ thế giới đang bị thu hẹp./.