Thách thức lớn

Theo số liệu của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất thép trong nước, dự báo nhu cầu thép xây dựng trong cả nước năm 2015 khoảng 6 triệu tấn, trong khi đó, công suất của các nhà máy trên cả nước lên đến 11 triệu tấn. Ngoài thép xây dựng, các mặt hàng thép khác cũng chung tình trạng. Như vậy, hầu hết chủng loại thép đều có công suất và sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Lượng cung vượt cầu quá xa.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng sản xuất thép xây dựng đạt 3.646.204 tấn, tăng 28,2%, lượng hàng bán ra của thép xây dựng của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) là 3.577.163 tấn, tăng 21,9% so với cùng kỳ 2014. Đây là mức tăng cao so với mức tăng trưởng bình quân của sản phẩm này trong những năm gần đây.

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan về số liệu nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, lượng sắt thép các loại từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam là 4,1 triệu tấn, tăng mạnh đến 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến hai phần ba tổng lượng sắt thép nhập khẩu (6,9 triệu tấn) sáu tháng đầu năm.

Có thể thấy rằng, sản lượng thép trong nước tiếp tục duy trì ổn định, song nếu nhìn vào tỷ lệ nhập khẩu thép trong 6 tháng đầu năm, thì các nhà sản xuất thép đang đối mặt với không ít thách thức trước sức ép thép xuất khẩu giá rẻ và từ nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhất là gần đây, Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh tỷ giá (chỉ trong vòng 03 ngày (từ 11/08/2015 đến 13/08/2015), Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ tới 4,67%). Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Trung Quốc vốn đã có lợi thế về quy mô giờ sẽ gia tăng cạnh tranh khi đồng Nhân dân tệ giảm giá. Trong thời gian tới, thị trường Việt Nam đứng trước nguy cơ thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào ồ ạt hơn và các doanh nghiệp thép trong nước vốn đã khó khăn càng thêm bội phần khó khăn.

Doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực

Ngoài ra, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) vừa chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thì ngành thép sẽ càng khó khăn hơn khi phải phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ở những cường quốc thép nhất nhì thế giới, điển hình là Nga.

Cần phát triển những doanh nghiệp lớn

Nhận định về giải pháp cho ngành thép trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho rằng, điểm yếu của doanh nghiệp thép Việt Nam là quy mô đa phần rất nhỏ, điều này dẫn đến năng lực công nghệ, năng lực tài chính kém, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, giải pháp căn cơ là ngành thép Việt Nam phải xây dựng những doanh nghiệp đủ lớn với quy mô 2-3 triệu tấn năm, với quy mô này doanh nghiệp mới có thể có khả năng tài chính, công nghệ để đối chọi với sản phẩm của các nước tràn vào.

“Hiện nay, chúng ta cũng đã có một số doanh nghiệp có quy mô tương đối, có sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn/năm, như: Tổng Công ty thép Việt Nam, Tôn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt... Nếu số lượng doanh nghiệp này được mở rộng hơn nữa, sẽ tập trung được sức lực để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm” ông Sưa cho biết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt pháp lý. Bởi thực tế cho thấy, từ năm 1994 đến năm 2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước trên thế giới, trong đó sản phẩm ngành thép bị kiện lên đến 15 vụ.

Tính riêng trong 3 năm gần đây (2011-2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép. Trong khi đó, có những văn bản đề cập đến vấn đề này mặc dù có nhiều hạn chế song vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

Đơn cử như Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN của Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Thông tư này được coi là hàng rào kỹ thuật giúp ngăn chặn hàng kém chất lượng vào Việt Nam, nhưng theo nhận định của VSA, việc thực thi thông tư ngày vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do các tiêu chuẩn vẫn chưa rõ ràng. Các tiêu chuẩn theo hợp đồng nhập khẩu dẫn đến 2 bên mua bán tự thỏa thuận nên rất khó kiểm soát và giám định./.

Tài liệu tham khảo:

1. Việt Hải (2015). Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sau FTA, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/26482802.html

2. Thái Hà (2015). Ngành thép hội nhập: Cơ hội ít, thách thức nhiều, truy cập từ http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20150418/Co-hoi-it-thach-thuc-nhieu.aspx