Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng nguồn vốn cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn vẫn còn vấn đề lớn. Các mặt hàng vay theo truyền thống đòi hỏi vay phải có thế chấp, trong khi đối với các sản phẩm, công trình của nông dân tài sản thế chấp không cao.

Vì vậy, rất nhiều nông dân không nhận được khoản vay truyền thống. Hệ thống hợp tác xã cũng không có điều kiện để vay. Để lựa chọn, nông dân có thể tiếp cận các tuyến khác là như quỹ tín dụng nhỏ...

Với những nguồn tín dụng này, nông dân không phải chịu lãi suất cao nhưng vô hình chung làm cho động lực cho vay của các đối tượng có vốn không cao để làm việc đó. Kết quả là nông dân không tiếp cận được nguồn vốn.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2015, chỉ có 0,67% trên tổng số 11.000 hợp tác xã trên cả nước tiếp cận được nguồn tín dụng. Hiện nay, cơ cấu vốn vay của các ngân hàng thương mại chưa thực sự phù hợp cho khu vực nông nghiệp nông thôn, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn rất thấp. Tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 06/2016 đạt 886 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Hình thức cho vay theo chuỗi đang là thí điểm tốt, tuy việc cho vay mới chỉ thực hiện trên chuỗi lớn, chuỗi có xuất khẩu và chỉ tập trung vào doanh nghiệp.

Tín dụng cho nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập

Theo ông Lê Đức Thịnh, quy định mức trần lãi suất tín dụng cho vay đối với khu vực phi chính thức làm hạn chế sự phát triển của khu vực này.

“Hệ thống tín dụng phi chính thức (tín dụng ủy thác) chưa phát triển. Dẫn đến thực tế ở nông thôn hiện chủ yếu tồn tại hai hệ thống tín dụng chính thức và tín dụng giản đơn; trong đó không ít loại hình tín dụng đen”, ông Thịnh nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, khác với sản xuất công nghiệp, mỗi sản phẩm nông sản có những chu kỳ sản xuất khác nhau (như cây ngắn ngày và cây lâu năm). Sản xuất nông nghiệp cần chu kỳ đầu tư dài hạn (xây dựng chuồng trại, hệ thống điện, nước,…). Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đưa ra dẫn chứng cụ thể như vay vốn trồng cà phê phải 3 năm; nuôi lợn nái phải 1,5 năm; nuôi bò thịt phải 3 năm mới cho thu hoạch. Trong khi đó, các ngân hàng cho nông dân vay vốn đầu tư lại thường chỉ trong vòng 6 tháng, 12 tháng thì không giải quyết được vấn đề. Trong khi nhiều nước trên thế giới hiện vẫn đang áp dụng cho vay theo vòng đời sản xuất của các loại cây trồng, vật nuôi...

Để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng cần phát triển tín dụng phi chính thức - tín dụng ủy thác (gồm cho vay vốn thông qua các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…) nhằm bổ sung vào mảng khuyết của hệ thống tín dụng chính thức.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, nhất là các khoản vay trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc thù của chu kỳ sản xuất từng sản phẩm trong nông nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vay kịp thời, linh hoạt phù hợp với nhu cầu, chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để nông dân được vay vốn như: tài sản trên đất, tài sản hình thành từ vốn vay… Hệ thống tín dụng cần tích hợp chính sách tín dụng với các chính sách khác như bảo hiểm…