Nông nghiệp Việt Nam: Một số kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2022, định hướng và giải pháp phát triển thời gian tới
Từ khóa: nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, chuỗi liên kết
Summary
In the period 2010-2022, along with the general development of the entire economy, Vietnamese agriculture has made great strides and achieved many important achievements. The development of Vietnamese agriculture has not only contributed to ensuring national food security and economic growth, but also brought increasing income to people. The article evaluates the results achieved by Vietnamese agriculture in the period 2010-2022 and points out the limitations that need to be overcome, thereby proposing some solutions in the coming time.
Keywords: agriculture, Vietnamese agriculture, science and technology, digital transformation, chain
GIỚI THIỆU
Nông nghiệp là ngành sản xuất có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cũng như đối với sự phát triển của đất nước. Trong giai đoạn 2010-2022, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, thể hiện ở nhiều mặt: giá trị xuất khẩu nông sản đạt ở mức cao; sản lượng và năng suất cây trồng, vật nuôi tăng… góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại một số hạn chế, như: quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp; ngành chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để ngành nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực trong nông nghiệp.
MỘT SỐ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2010-2022
Kết quả đạt được
Trong giai đoạn 2010-2022, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực. Tính riêng trong năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới và kinh tế trong nước đã trải qua nhiều biến động và thách thức, các vấn đề về an ninh lương thực, lạm phát, sản xuất và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp trong nước vẫn ở mức cao, các nước nhập khẩu vẫn đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát, nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vị thế là khu vực đệm, là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 55 tỷ USD, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao là 4 tỷ USD. Tám mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, rau quả, tôm, cá tra và sản phẩm gỗ. Ngành gạo lập kỷ lục về khối lượng xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mốc 11 tỷ USD, nhiều quốc gia nhập khẩu trái cây Việt Nam, như: Mỹ, New Zealand, Trung Quốc [3]. Những kết quả tích cực mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét cho sự phát triển không ngừng nghỉ của toàn ngành, của việc không ngừng đổi mới cũng như ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ và các quy trình sản xuất, chế biến.
Với việc tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua đã được chú trọng đẩy mạnh theo hướng hiện đại, giảm thâm hụt lao động, nâng cao năng suất, đạt được giá trị gia tăng cao và bền vững. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2022, mặc dù diện tích đất nông nghiệp canh tác nhiều loại cây trồng giảm xuống, nhưng sản lượng và năng suất đều tăng, cho thấy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác lúa đã giảm từ 7.489 nghìn ha vào năm 2010 xuống còn khoảng 7.109 nghìn ha vào năm 2022 (giảm 380,4 nghìn ha), nhưng năng suất lúa đã tăng từ 53,4 tạ/ha vào năm 2010 lên 60 tạ/ha vào năm 2022 (tăng 6,6 tạ/ha); diện tích ngô cũng giảm từ 1.125,7 nghìn ha trong năm 2010 xuống còn 887 nghìn ha trong năm 2022 (giảm 238,7 nghìn ha), trong khi đó, năng suất ngô đã tăng từ 41,1 tạ/ha trong năm 2010 lên 49,9 tạ/ha trong năm 2022 (tăng 8,8 tạ/ha) (Hình 1, 2)
Hình 1: Diện tích canh tác và năng suất lúa giai đoạn 2010-2022 | Hình 2: Diện tích canh tác ngô và năng suất ngô giai đoạn 2010-2022 | ||
| |
Chăn nuôi và thủy sản cũng ngày càng phát triển, thể hiện qua sản lượng sản phẩm xuất chuồng, sản lượng đánh bắt và khai thác ngày một tăng cao. Sản lượng gia súc, gia cầm, sản lượng sữa, sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng năm 2022 đều cao hơn nhiều so với năm 2010 (Bảng).
Bảng: Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản lượng thủy sản giai đoạn 2010-2022
Năm | 2010 | 2015 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng (nghìn tấn) | 83,6 | 101,8 | 120,3 | 120,6 | 119,4 | 119,7 |
Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng (nghìn tấn) | 278,9 | 346,2 | 427,0 | 441,7 | 465,5 | 481,4 |
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng (nghìn tấn) | 3.036,4 | 3.907,1 | 4.098,1 | 4.013,5 | 4.224,3 | 4.539,2 |
Sản lượng thịt gia cầm hơi giết, bán (nghìn tấn) | 615,2 | 997,4 | 1.669,6 | 1.871,9 | 2.010,5 | 2.178,6 |
Sản lượng sữa tươi (triệu lít) | 306,7 | 727,8 | 986,1 | 1.049,3 | 1.061,5 | 1.124,7 |
Sản lượng thủy sản khai thác (nghìn tấn) | 2.472,2 | 3.176,5 | 3.829,3 | 3.896,5 | 3.938,8 | 3.874,2 |
Sản lượng thủy sản nuôi trồng (nghìn tấn) | 2.732,3 | 3.550,7 | 4.592,0 | 4.739,2 | 4.887,9 | 5.233,8 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ các quá trình trồng trọt, chăn nuôi không chỉ tăng về số lượng, mà còn cả về chất lượng, thể hiện qua giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2022 đã liên tục tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị thu được trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010 lên 106,4 triệu đồng/ha/năm vào năm 2022, tăng gấp 1,95 lần. Giá trị thu được trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản cũng tăng từ 103,8 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010 lên 254,7 triệu đồng/ha vào năm 2022, tương đương tăng gấp 2,45 lần. Giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển nhảy vọt trong trong những năm gần đây là kết quả của việc các địa phương trong cả nước đã và đang chú trọng việc ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ trong sản xuất và chế biến nông sản, chú trọng phát triển theo hướng hình thành các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thương mại hóa các sản phẩm nông sản là thế mạnh, chủ lực của các địa phương. Việc áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất đã giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn, giải phóng sức lao động, và tăng thêm thu nhập; trong khi đó, việc áp dụng chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm đã giúp hàng hóa nông, lâm thủy sản được phổ biến rộng khắp, tiếp cận được nhiều thị trường hơn, cũng như thu được giá trị gia tăng cao hơn.
Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản còn khẳng định vai trò là khu vực đệm, trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế khi tạo ra nhiều việc làm hàng năm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tại các vùng nông thôn Việt Nam. Trong năm 2022, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã tạo việc làm cho 13.937 nghìn lao động, tương đương với 27,5% tổng số lao động có việc làm trong cả nước. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 là 3.878,8 nghìn /lao động/tháng (năm 2018 là 2.726,6 nghìn đồng/lao động/tháng).
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Một là, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp. Giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. Một số nguyên nhân có thể kể đến, như: liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu và yếu, thiếu gắn kết, sản xuất còn manh mún, chi phí cao, chưa tối đa hóa sử dụng các nguồn lực, chưa tạo được đột phá, hiệu quả cao, tính cạnh tranh của sản phẩm so với khu vực và quốc tế còn thấp.
Hai là, nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu dẫn tới thực trạng một nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Năng lực mở rộng thị trường và dự báo thị trường cho sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế; nhiều nông sản, nhất là nông sản thô đang quá lệ thuộc vào một vài thị trường nhất định. Nghịch lý “được mùa rớt giá” vẫn thường xuyên lặp lại. Việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành nông, lâm, thủy sản còn thấp cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình đẩy mạnh tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào sản xuất và chế biến. Phần lớn hộ nông dân có thu nhập thấp so với các nhóm ngành kinh tế khác, số lượng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa có kỹ năng nghề còn cao. Các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, dẫn đến chất lượng lao động nông nghiệp còn thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt chỉ đạt 4,08%, tuy cao hơn năm 2010 (2,4%), nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước (26,31% trong năm 2022).
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Mục tiêu phát triển nông nghiệp trong thời gian tới đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”, “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”. Phát triển nông nghiệp cần chú trọng phát triển bền vững, dựa trên lợi thế sẵn có của các địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, không chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo duy trì vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần bảo vệ môi trướng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể phát triển các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Đối với trồng trọt, thực hiện đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao...), có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng, như: cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn...
Đối với sản xuất lúa gạo - một trong những thế mạnh chủ lực của nông nghiệp Việt Nam, chiến lược đã chỉ rõ cần tiếp tục phát huy lợi thế ngành nhưng phải đi liền với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả cao nhất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, nhất là tại các địa bàn thuận lợi như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, thực hiện chế độ quản lý, sử dụng quỹ đất lúa một cách linh hoạt hơn để phản ứng kịp thời với thay đổi thị trường, duy trì các vùng sản xuất nông nghiệp đa canh khi cần có thể quay về sản xuất lúa một cách thuận lợi; đồng thời, kết hợp luân canh, xen canh giữa lúa với các cây nông nghiệp khác và thủy sản, chăn nuôi thủy cầm đề tăng thu nhập cho nông dân và cải thiện hệ thống canh tác.
Đối với chăn nuôi, cần đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường, như: thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi lợn và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh.
Đối với thủy sản, tập trung phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chú trọng phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn và đối với hộ quy mô nhỏ, thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ, phối hợp nuôi lồng bè, ao hồ tập trung và luân canh/xen canh... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm sức ép lên môi trường.
Đối với lâm nghiệp, xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050
Trên cơ sở những thế mạnh và kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2020, nhận thức được những hạn chế còn tồn tại, trong giai đoạn tới đây, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẵn có, để đạt được kết quả cao hơn, cũng như hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, một số giải pháp trọng tâm cần chú trọng thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp cả nước theo hướng phát huy các lợi thế của từng địa phương, từng vùng, miền. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng kinh tế thị trường hiện đại trong các đơn vị, ngành, vùng đã hình thành. Đồng thời, từng bước chuyển các đơn vị, ngành, vùng nông nghiệp còn căn bản tự cấp, tự túc ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc ít người lên sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng sản xuất nông sản xuất khẩu tập trung, nhằm đáp ứng được nguồn cầu về nông sản của thị trường trong nước và thế giới theo hướng số lượng ngày càng nhiều, chủng loại ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng cao.
Thứ hai, chú trọng phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dạy nghề, cải thiện căn bản chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ. Xây dựng lực lượng các chủ thể sản xuất trong nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại, có kiến thức chuyên môn trong sản xuất ở từng ngành nghề, lĩnh vực, có tư duy, kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh. Hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, sinh kế bền vững, năng lực chống chịu, thích ứng với sự biến đổi, biến động của khí hậu, của thị trường cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào các giai đoạn trong quy trình sản xuất; đẩy mạnh các mô hình sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và an ninh dinh dưỡng; giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản phát triển, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các quy trình đạt chuẩn nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ năm, thúc đẩy hình thành các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như liên kết thu mua nông sản, liên kết đầu tư trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, liên kết gia công nguyên liệu, chế biến sản phẩm nông sản, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng nhóm sản phẩm, hình thành các hiệp hội ngành hàng… thông qua việc tổng kết các mô hình liên kết thành công để rút kinh nghiệm cho việc tìm kiếm, lựa chọn các mô hình liên kết thích hợp với quy mô và trình độ phát triển của từng ngành hàng và từng địa phương, với cơ cấu các loại doanh nghiệp sở hữu khác nhau tham gia và với trình độ, năng lực quản lý khác nhau của doanh nghiệp./.
TS. Lại Tiến Dĩnh - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Kim Thanh, Tạ Đức Thanh (2020). Phát triển nông nghiệp Việt Nam – Thành tựu và những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 300.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
3. Tổng cục Thống kê (2011-2023), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2010 đến năm 2022, Nxb Thống kê.
Bình luận