Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề. Thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2016 là năm điển hình Việt Nam phải đối phó với nhiều loại hình cực đoan của thời tiết. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn và cực đoan hơn so với kịch bản Việt Nam đã công bố năm 2012. Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là vùng cung cấp 75% sản lượng gạo, 50% sản lượng trái cây, 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng do tác động của biến đổi khí hậu cộng với tác nhân khác, vùng này sẽ biến đổi hoàn toàn cục diện sản xuất.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên bị hạn hán và ngập mặn

Cụ thể, theo Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 11/13 địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn 4g/lít là 2.056.192 ha, chiếm 52,7% so với diện tích tự nhiên của vùng, cao hơn khoảng 23% (tương đương 883.000 ha) so với năm 2015.

Trong đó, diện tích lúa thiệt hại các vụ cuối năm 2015 và năm 2016 là 405.000 ha. Ảnh hưởng của độ mặn tăng cao, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do chậm lớn, dịch bệnh khoảng 82.000 ha. Tổng thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 7.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, 6 vùng kinh tế khác cũng chịu cảnh tác động của biến đổi khí hậu tương đương như vậy.

Đã vậy, sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thời gian gần đây đã dẫn đến tình trạng thiên tai diễn ra ngày càng mạnh về cường độ, tần suất xuất hiện thay đổi khó dự báo.

"Với những vấn đề nêu trên rất mong các bạn quốc tế nắm bắt để cùng Việt Nam, chia sẻ thêm những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra định hướng trong phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bà Louise Chamberlain cho rằng, hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác.

Điều này cũng cho thấy cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các chính sách, chương trình. Các rủi ro, cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra cần được tính toán trong các chính sách, chương trình của ngành. Cần điều chỉnh, thiết kế để phù hợp với biến đổi khí hậu.

“Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, UNDP đã và đang triển khai lồng ghép quản lý các rủi ro về khí hậu, thiên tai vào các chính sách, chương trình trong các ngành chính; trong đó có ngành nông nghiệp; thiết kế các chương trình quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, giảm phát thải… ở cộng đồng ven biển”, bà Louise Chamberlain cho biết thêm.

Theo ông Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, nông nghiệp, thủy lợi hoặc bảo vệ bờ biển là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển thích ứng khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu thiếu sự phối hợp liên kết mạnh mẽ trong khu vực, những nỗ lực của Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức khác sẽ khó mang lại thành công.

Ông Christian Berger cho biết Cộng hòa liên bang Đức đã và đang hỗ trợ ngành nông nghiệp định hướng phục hồi vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành trong những nỗ lực của ngành.

Phát biểu kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế. Hi vọng thời gian tới, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng chung tay, chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, những định hướng trong phát triển bền vững, những tăng trưởng đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân, từ đó giúp Việt Nam từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu./.