Những năm qua, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới, các dự án đầu tư có quy mô lớn, cũng như quản lý doanh nghiệp FDI cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số đề xuất của tác giả Vũ Ngọc Tú qua bài viết “Giải pháp thu hút và quản lý FDI trên địa bàn Hà Nội” có thể phần nào giúp các nhà quản lý của Hà Nội tham khảo.

Với phương châm “dễ trước, khó sau” trong xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2014, Thanh Hóa đã có 45 xã và 6 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đó, quá trình thực hiện càng về sau càng xuất hiện nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

“Một số giải pháp thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa” là bài viết của tác giả Lê Thị Bình và Lê Thị Minh Trí sẽ đi phân tích sâu hơn về vấn đề này.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vai trò lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Song thời gian qua, việc thu hút FDI để phát triển kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tác giả Phạm Ngọc Tuấn với bài viết “Tăng cường thu hút FDI

vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” sẽ phân tích thực trạng thu hút FDI giai đoạn 2005-2013 của khu vực này và đưa ra một số giải pháp nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI cho phát triển kinh tế của Vùng trong thời gian tới.

Những năm qua, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, thì việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính cơ bản lâu dài. Những ý kiến đóng góp của tác giả Huỳnh Xuân Hiệp qua bài viết “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước tỉnh Sóc Trăng” có thể tham khảo để áp dụng.

Nguồn nhân lực ở nước ta phần lớn bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu, phải đào tạo lại khi sử dụng. Bằng nghiên cứu định lượng, bài viết “Chất lượng đào tạo đại học khối ngành kinh tế dưới góc nhìn doanh nghiệp” của tác giả Phạm Văn Hà và Cao Hoàng Nam sẽ phần nào cho thấy rõ hơn vấn đề này. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đưa ra những giải pháp để đào tạo đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và cũng là tiết kiệm nguồn lực cho đất nước.

Sau hơn 8 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường, ngành bán lẻ trong nước đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hạ tầng của lĩnh vực này ở nước ta còn yếu kém, lạc hậu, thiếu quy hoạch, khai thác kém hiệu quả, vừa thừa, vừa thiếu... Bài viết “Để phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ” của tác giả Vũ Thị Hồng Phượng sẽ phân tích chi tiết và đưa ra một số giải pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu của việc mở cửa thị trường phân phối theo lộ trình đã cam kết.

Cùng với những bài viết trên, Tạp chí số chuyên đề tháng 5/2015 còn có nhiều bài viết ở nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.../.