Chủ trương của Đảng và Nha nước

Đảng và Nhà nước chủ trương, kinh tế tập thể mà cơ bản là các tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) chính là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định: Từng bước hướng dẫn các hợp tác xã (HTX) lập phương án sản xuất có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với khả năng của HTX và yêu cầu phát triển của từng địa phương. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau, HTX với các doanh nghiệp, HTX với các cơ quan khoa học, kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ ttrợ kinh tế HTX phát triển. Tập trung hướng nội dung kinh tế của các HTX hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trước hết là dịch vụ tốt các khâu thủy lợi, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, điện… từng bước phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm… xây dựng các HTX điểm làm cơ sở để đánh giá và nhân rộng, thu hút người lao động gia nhập HTX. Hỗ trợ hình thành một số hình thức kinh doanh mới, như: cung ứng vật tư, môi giới khai thác thị trường, tư vấn đầu tư, môi trường sinh thái, cung cấp, đào tạo nghề và đội ngũ cán bộ quản lý…

Trên cơ sở định hướng của Đảng, năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật HTX và đến năm 2012 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung.

So với Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 xác định rõ bản chất của HTX là phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên; bỏ nội dung HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, quy định khi HTX phát triển đến trình độ cao hơn sẽ hình thành các doanh nghiệp HTX hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Để phát triển HTX trong giai đoạn 2015-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020.

Mục tiêu của giai đoạn này là: Thành lập, tổ chức lại hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Mở rộng hình thức liên hiệp HTX quy mô vùng và quốc gia, nhất là ở lĩnh vực tín dụng, nông nghiệp; khuyến khích thành lập HTX quy mô lớn thông qua hợp nhất, sáp nhập HTX. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; chế biến sản phẩm.

Nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi đã được nhân rộng

Và vai trò của thanh niên trong phát triển KTTT

Để có được thành công trong phát triển kinh tế tập thể, không thể thiếu vai trò nòng cốt, xung kích của thanh niên.

Trên cơ sở những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tổ chức Đoàn đã phát huy được vai trò quan trọng trong định hướng và hỗ trợ các điều kiện sản xuất cho các đoàn viên, thanh niên.

Công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên trên cả nước tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Trung ương Đoàn đã phát động hai phong trào lớn là “5 xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Việc triển khai tích cực những phong trào này trên cả nước đã góp phần làm xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế tập thể mới do đoàn viên, thanh niên làm chủ cho thu nhập cao.

Trong từng ngành, lĩnh vực, hay ở mỗi địa phương đều có nhiều tấm gương của thanh niên trong phát triển kinh tế tập thể, bởi những chính sách khi đến với thanh niên luôn được phát huy hiệu quả và có tính lan tỏa cao.

Điển hình như, trong năm 2014 Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ký kết Chương trình phối hợp số 11/CTPH-TWĐTN-TCTS, ngày 24/03/2014 Phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2014-2017.

Chương trình sau khi phát động đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đoàn viên, thanh niên trong cả nước. Đặc biệt, sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên ở những địa bàn có nhiều thuận lợi về nuôi trồng và khai thác thủy sản đã đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ tổ quốc, nhiều đảo thanh niên đã được hình thành, như: Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang), Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), Đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) và Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Còn tại Thủ đô, phong trào “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới” đã triển khai sâu rộng đến không chỉ đối tượng thanh niên nông thôn mà còn lan rộng ra nhiều khối đối tượng khác.

Nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo đã được Đoàn thanh niên TP. Hà Nội triển khai đến từng cơ sở, đồng thời nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế tại địa phương đã xuất hiện, tạo việc làm cho chính đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Những mô hình này đã đóng góp thành tích trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được phát động trong cả nước nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, phát triển kinh tế tập thể để thoát nghèo, vươn lên làm giàu là một việc khó nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lực lượng thanh niên.

Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, nền kinh tế nói chung, kinh tế tập thể nói riêng. Để họ có thể phát huy tốt vai trò của mình, bên cạnh sự nỗ lực, học cần được đào tạo học vấn và chuyên môn kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để phát triển toàn diện cũng như cung cấp các cơ hội để tiếp cận với vốn và môi trường vươn lên./.