Dự thảo quy định rõ về chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, đối tượng hỗ trợ, gồm: thành viên, người lao động đang làm việc tại tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cán bộ chuyên trách và cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương. Cán bộ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Viên chức, giảng viên về kinh tế tập thể trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Nội dung hỗ trợ, gồm: Sinh hoạt phí, học phí cho sinh viên, học viên theo học các chương trình đại học, sau đại học chuyên ngành kinh tế tập thể. Cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước và nước ngoài về kinh tế tập thể. Lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Về chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dự thảo đề xuất nội dung hỗ trợ như sau: Tư vấn giải pháp chuyển đổi số đối với quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chuyển đổi mô hình kinh doanh; tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tư vấn chuyển giao công nghệ; Nhà nước phát triển một số phần mềm, ứng dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh để các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dùng chung và không thu tiền. Xây dựng trang thông tin điện tử cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã.

Về chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, theo dự thảo, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cung cấp thông tin về pháp lý, kinh tế; khảo sát và nghiên cứu thị trường; thông tin dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và các trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các địa phương.

Đối tượng hỗ trợ là các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ khác, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp còn được hưởng các hỗ trợ sau: Hỗ trợ vốn, giống, máy móc, trang thiết bị ứng dụng khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu theo các đề án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với cấp quản lý ngân sách.

Hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất, đất có mặt nước của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tập trung, xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản…

Về mức hỗ trợ, dự thảo quy định: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng chính sách được phê duyệt và điều chỉnh theo từng thời kỳ./.