Hỗ trợ, tăng quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Với những chính sách của Đảng và Nhà nước, người phụ nữ DTTS đã có sự đổi thay, trở thành những tấm gương kinh doanh, sản xuất giỏi, giúp nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS.

Những điển hình vươn lên trong nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 82,1%, tương đương 7,9 triệu người, trong đó nữ tới chiếm 78,3%.

Giờ đây, phụ nữ DTTS đã xác lập được vị thế mới: trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao, có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình…

Theo đó, nhận thức của đồng bào vùng cao, đặc biệt là chị em phụ nữ về quyền làm chủ, về bình đẳng giới đang thực sự có nhiều đổi thay tích cực. Trong những mái ấm gia đình vùng cao, đàn ông không còn đơn phương quyết định những việc lớn, nhất là những việc liên quan đến phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, mà đều có sự bàn bạc, thống nhất với người phụ nữ.

Phụ nữ DTTS còn tham gia công tác tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều điển hình phụ nữ DTTS thành công trong làm kinh tế đã là sự minh chứng về sự vươn lên của họ.

Đến xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chuyện chị Bùi Thị Lợi là một trong những tấm gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công là ai cũng biết. Bởi, tại xã Chí Đạo nói riêng, vùng DTTS nói chung, chuyện phụ nữ đứng lên làm kinh tế thường không nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, bởi định kiến giới luôn cho rằng đó là công việc của đàn ông. Đàn bà chỉ nên quanh quẩn bếp núc, con cái ruộng vườn…

Vượt qua định kiến đó, với quyêt tâm làm giàu, chị Lợi đã “cắm sổ” lương vay vốn ngân hàng; đồng thời thuyết phục bố chồng cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn. Có trong tay hơn 500 triệu đồng, cộng với tiền vay anh em, bạn bè, chị Lợi mở hai sân bóng đá mini có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng và một quán bia hơi phục vụ tại chỗ. Sau 2 năm, chị Lợi thu lại toàn bộ vốn đầu tư.

Tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19 khiến sân bóng nhà chị phải đóng cửa. Không có nguồn thu, chị xoay ra trồng cây dổi lấy hạt làm gia vị. Chị rủ 10 chị em khác cùng làm công việc ươm, ghép cây giống và làm muối gia vị. Với giá 60 - 70 nghìn đồng/cây dổi ghép, 10.000 đồng/cây dổi ươm; riêng muối gia vị, đến nay, các chị đã có những đơn hàng đặt hàng trăm, hàng nghìn lọ, giúp đời sống của các chị ngày càng nâng cao.

Không chỉ nỗ lực làm kinh tế, chị Lợi giờ còn là Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Chí Đạo. Gánh trên vai trách nhiệm nhiều hơn nhưng chị Lợi luôn mong muốn có cơ hội tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh để khẳng định năng lực bản thân, giúp phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người phụ nữ DTTS khác.

Hỗ trợ, tăng quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Đến xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, chuyện chị Bùi Thị Lợi là một trong những tấm gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công

Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, dân tộc Phù Lá, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm, xã Tà Chải, là người đi đầu trong việc đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà “bay xa”.

Trong thời điểmnăm 2020, 2021, dịch Covid-19 đã khiến việc tiêu thụ nông sản Lào Cai nói chung và mận Tam hoa Bắc Hà nói riêng đóng băng. Chứng kiến người dân điêu đứng, quả tươi chất đống không có đầu ra, cô gái Phù Lá Sải Thị Bích Huế đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm để chế biến sâu. Tháng 6/2021, Hợp tác xã Quang Tom với 7 thành viên do chị điều hành chính thức đi vào hoạt động. Cuối năm 2021, chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm OCop 3 sao mận tam hoa sấy dẻo, mở ra cơ hội mới đưa sản phẩm ra thị trường. Tiếp đó, từ năm 2022, qua tìm hiểu, chị Huế biết hiện toàn huyện Bắc Hà còn khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, có gần 700 ha chè Shan tuyết hữu cơ tập trung chủ yếu ở các xã Bản Liền, tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố... nhưng dù nổi tiếng, nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa có sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn... thị trường tiêu thụ, giá thành thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế hạn chế... Vì thế, với mong muốn tiếp giải quyết đầu ra cho ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Hợp tác xã Quang tôm đã mạnh dạn xây dựng thành công sản phẩm OCop 3 sao này. Hợp tác xã hiện đã xây dựng thành công và được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là Hồng Trà, bạch Trà, chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Lào Cai ưa chuộng.

Đầu tháng 9/2023, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023, Dự án “Phát triển thương hiệu Trà Trên Núi và bảo tồn cây chè cổ thụ Shan tuyết tại huyện Bắc Hà” của Hợp tác xã Quang Tom, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà do chị Sải Thị Bích Huế làm chủ đã giành giải Khuyến khích.

Hỗ trợ, tăng quyền làm chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, dân tộc Phù Lá, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm, xã Tà Chải, là người đi đầu trong việc đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà “bay xa”.

Hay như chị Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989, người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: "Là người dân tộc Khmer, lúc tôi 18 tuổi, cả làng không ai đi học đại học, vì định kiến là con gái lớn lên lấy chồng, sinh con, học để làm gì? Tôi lên TP. Hồ Chí Minh học và thuyết phục cha mẹ, vừa học, vừa làm để có tiền trang trải việc học đại học, rồi tiếp tục học thạc sĩ về Công nghệ thực phẩm tại trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhờ vào sự học đó, tôi mới có cơ hội trở về phát triển nghề thu mật hoa dừa ở Trà Vinh - tỉnh trồng dừa lớn thứ 2 cả nước vậy mà năm 2018, dừa bỏ mọc mầm, không ai thu mua. Tôi suy nghĩ giờ chính là lúc quay về quê hương và giúp đỡ mọi người ".

Giờ đây, là Giám đốc công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm), chị Thạch Thị Chal Thi không chỉ giúp bố mẹ, bản thân có cuộc sống khá giả mà còn giúp thay đổi cuộc sống của hơn 70 hộ gia đình nhờ việc thu mật hoa dừa và đưa sản phẩm này đi khắp thế giới.

Những câu chuyện của chị Lợi, chị Huế hay chị Thạch Thị Chal... đã thể hiện nỗ lực trong hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng làm giàu cho bản thân, làm giàu cho xã hội. Họ đã trở thành những gương phụ nữ DTTS điển hình, đại diện cho các chị em DTTS Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới, góp phần dựng xây quê hương, hướng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em DTTS và miền núi.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ giúp phụ nữ DTTS có thể mạnh mẽ vươn lên

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn như định kiến giới, nhận thức trình độ của phụ nữ vùng DTTS, khoảng cách về điều kiện sống giữa vùng dân tộc và đô thị, thói quen phong tục tập quán, nguồn lực, năng lực cán bộ…

Để giúp phụ nữ DTTS phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 đã khẳng định mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ với đối tượng phụ nữ DTTS.

Theo đó, từ năm 2021 đến hết năm 2025, chương trình sẽ triển khai 10 dự án thành phần, trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ DTTS, đó là: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Dự án 8). Dự án tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án số 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một trong 10  dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung đó là: (1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; (3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS; (4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban điều hành Dự án cấp Trung ương; chủ động xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án; tổ chức tập huấn, hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh trong tham mưu xây dựng kế hoạch; kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án.

Dự án 8 đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, với vai trò cơ quan chủ trì Chương trình, Ủy ban Dân tộc sẽ đồng hành, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND các tỉnh trong công tác tổ chức thực hiện Dự án 8; tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện để mục tiêu thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, để Dự án phát huy hơn nữa hiệu quả, cần thu hút hơn nữa sự tham gia của nam giới trong tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS để cùng ra quyết định, chia sẻ việc nhà và nói không với bạo lực gia đình; lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển kinh tế của đồng bào DTTS…

Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ cần là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các mô hình; hướng dẫn chị em phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức các khoá dạy nghề, khuyến nông, tư vấn, giải quyết việc làm cho chị em; các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, trồng trọt, thu mua nông - lâm - thuỷ sản, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng; tổ chức các diễn đàn, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, trao giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp, đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc khởi nghiệp…/.