“Muốn giải ngân nhanh phải có nguồn cung lớn”

Theo nhận định của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản sau một thời gian đóng băng, đến năm 2013 và đặc biệt những tháng gần đây, đã có những chuyển động rất tích cực, giao dịch tăng lên, đặc biệt phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và quy mô nhỏ, giá thấp, nguồn cung thiếu so với cầu.

Điều này khẳng định chính sách của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã trúng và từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thị trường bất động sản còn rất khó khăn do khả năng của nền kinh tế chúng ta còn khó khăn.

Tuy giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh, do giá thời kỳ bất động sản nóng là giá ảo, nên thời kỳ này bắt buộc phải giảm giá đối với sản phẩm bất động sản để trả lại giá trị thực của bất động sản. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải giảm giá để tăng giao dịch sản phẩm bất động sản, trong đó, tiết giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt là vật liệu cao cấp được thay thế bằng vật liệu trong nước...

“Và trong thời gian tới chắc chắn bất động sản được giao dịch tốt hơn, do giá bất động sản ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân. Và chắc chắn thị trường bất động sản từng bước được hồi phục”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Lý giải về sự chậm trễ trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, “gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Và muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70 m2 trong khi nhu cầu của người dân rất lớn”. cụ thể, theo Bộ trưởng Dũng tập trung ở 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cả nước hiện nay cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhưng hiện nay cung nhà ở xã hội không thể nhanh được vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn.

Thứ hai, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại.

Thứ ba, thủ tục, yêu cầu để giải ngân gói 30.000 tỷ này là bắt buộc. Vì nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước, dư luận không đồng tình nhưng không phải vì làm chặt mà chậm tiến độ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “những ai có nhu cầu mua nhà thì phải được hỗ trợ trong gói 30.000 tỷ này. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Xây dựng, các địa phương mà cả các ngân hàng phải vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân”.

Hoàn thiện thể chế để tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song ông cũng thẳng thắn chỉ rõ, “tình trạng thất thoát lãng phí vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để và đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội”.

Theo ông, tập trung ở 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do chất lượng quy hoạch chưa cao; thứ hai là do chất lượng công tác kế hoạch chưa phù hợp và thứ ba là chất lượng công tác quản lý nhà nước liên quan đến đầu tư xây dựng...

Trong năm 2013, Chính phủ ban hành 2 nghị định quan trọng, đó là: Nghị định 11 về quản lý phát triển đô thị, đây là nghị định có tính đổi mới, đột phá khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát phong trào. Trong nghị định đã nêu rõ yêu cầu về phát triển có quy hoạch và có kế hoạch, cân đối nguồn lực, khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo như hiện nay.

Còn Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng cũng là một bước đổi mới, thay vì coi các chủ đầu tư của các nguồn vốn như nhau, lần này Nghị định 15 nêu rõ nguồn vốn Nhà nước phải được kiểm tra, thiết kế, dự toán ngay từ ban đầu…

Những nghị định này đang đi vào cuộc sống và được các địa phương thực hiện và có hiệu quả cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư xây dựng, như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản….

Trong đó, Luật Đầu tư công chuẩn bị trình Quốc hội, đã nói rõ phải điều chỉnh quá trình kế hoạch hóa đầu tư. Thay vì đầu tư ngắn hạn hằng năm thì phải đầu tư dài hạn, trung hạn, kiểm soát các điều kiện để được phân bổ vốn đầu tư, cũng như kiểm soát quá trình thực hiện vốn đầu tư có đúng kế hoạch không, đúng công trình không.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, Luật Xây dựng lần này sẽ đổi mới rất căn bản là phải đưa ra phương thức quản lý các nguồn vốn khác nhau, phải có phương thức quản lý khác nhau, trong đó, đề cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quyền và trách nhiệm trong việc kiểm soát thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, quá trình thi công xây lắp công trình, nghiệm thu, bàn giao để khắc phục thất thoát.

Cùng với đó yêu cầu đổi mới quản lý, đặc biệt là ban quản lý, để tăng tính chuyên nghiệp hóa của ban quản lý. Từ đó, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng tốt nhất, khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng./.