Vai trò quan trọng

Với nền kinh tế: Cho đến đầu thập niên 1990, Việt Nam vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Công cuộc đổi mới cùng với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã làm thay đổi mạnh cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP tăng từ 22,7% năm 1990 lên 41,4% năm 2010, đồng thời tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 38,7% xuống còn 20,6%.

Bảng 1: Cơ cấu kinh tế Việt Nam (tỷ trọng các ngành trong GDP)

Năm

1990

2000

2010

Nông nghiệp

38,7

24,5

20,6

Công nghiệp

22,7

36,7

41,4

Dịch vụ

38,8

38,7

38,3

Nguồn: ADB, “Asian Economic Oulook”

Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP giảm mạnh, song với khoảng 70% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh lương thực. Nông nghiệp còn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, mỗi khi tình hình thế giới và trong nước có những biến động, gây tác động tiêu cực đến khu vực công nghiệp, nhất là thị trường tiêu thụ sa sút.

Trong xuất khẩu: Kể từ cuối thập niên 1980, nông, lâm, thủy sản đã đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và hiện vẫn duy trì vai trò này. Năm 1989, khi các sản phẩm của Việt Nam còn chưa đa dạng, gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những năm sau này, khi nhiều sản phẩm khác ở cả khu vực nông nghiệp (như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, thủy sản...) và công nghiệp (như: dệt may, da giày, điện tử...) bắt đầu vươn ra thị trường thế giới, tỷ trọng của gạo trong xuất khẩu giảm dần và đến năm 2012 chỉ còn 3,2%, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng từ 310 triệu USD năm 1989 lên 3,7 tỷ USD năm 2012. Gạo hiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam.

Ngoài gạo, hiện nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu khác, như: cà phê, cao su, tiêu, điều, rau quả, thủy sản, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm từ gỗ... nằm trong nhóm 30 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, nhiều sản phẩm xếp hạng xuất khẩu hàng đầu thế giới, như: cà phê, hạt tiêu, hạt điều xếp thứ 1 thế giới, gạo đứng thứ 2, cao su đứng thứ 3, thủy sản đứng thứ 4 (trong đó, cá tra đứng thứ 1), chè đứng thứ 8.

Bảng 2: Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2012

Mặt hàng

Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD)

Tỷ trọng

(%)

Xếp hạng xuất khẩu ở Việt Nam

Xếp hạng xuất khẩu trên thế giới

Thủy sản

6.156

5,4

6

4

Gỗ và SP gỗ

4.641

4,0

8

-

Gạo

3.689

3,2

10

2

Cà phê

3.686

3,2

11

1

Cao su

2.826

2,5

12

3

Hạt điều

1.480

1,3

17

1

Sắn và SP sắn

1.334

1,2

18

-

Hạt tiêu

808

0,7

20

1

Rau quả

799

0,7

21

-

Chè

226

0,2

27

8

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xu hướng sụt giảm kim ngạch

Giai đoạn 2008-2012, tỷ trọng xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản tuy dao động, song vẫn chiếm trên dưới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước (Bảng 3).

- Xét theo số tuyệt đối: kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng (từ 16,5 tỷ USD năm 2008 lên 27,5 tỷ năm 2012). Song, nếu xét theo tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tầm quan trọng của nhóm hàng này có xu hướng liên tục giảm, năm 2009 tỷ trọng này là 27,2%, đến năm 2012 tỷ trọng chỉ còn 24,1%.

Bảng 3: Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

8T/2013

Kim ngạch XK nông lâm thủy sản (tỷ USD)

16,5

15,4

19,1

25,1

27,5

18,0

Tốc độ tăng trưởng (%)

24,5

-6,7

24,0

31,4

9,6

-1,1*

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (%)

26,3

27,2

26,5

25,9

24,1

21,2

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (* so với cùng kỳ năm trước)

- Xét về nhịp độ tăng: tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có những năm đạt rất cao, như: năm 2008 đạt 24,5%, năm 2010 đạt 24%, năm 2011 đạt 31,4%. Song, tốc độ tăng trưởng thấp ở các năm 2009, 2012 và 8 tháng đầu năm 2013.

Năm 2009, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt âm (-6,7%) do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh so với 2 năm trước đó (xuống chỉ còn 9,6% so với 31,4% của năm 2011), đồng thời tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2009 đến nay.

8 tháng đầu năm 2013, xu hướng giảm này vẫn tiếp diễn khi tỷ trọng của nhóm hàng này trong xuất khẩu còn 21,2%. Đáng lo ngại là tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này trong 8 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ 2012 chuyển sang âm (-1,1%), trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước 8 tháng đầu năm 2013 vẫn đạt 14,7%.

Nguyên nhân...

Nguyên nhân của tình trạng giảm nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản từ năm 2012 đến nay trước hết là do giá xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Hai năm trước đó (2010-2011), giá xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng nông lâm thủy sản đều tăng (Bảng 4). Tăng mạnh nhất là giá cao su (mức tăng tương ứng là 56,5% và 45,7% trong năm 2010 và 2011), hạt điều (19,8% và 38,6%), gạo (2,2% và 62,1%), cà phê (2,1% và 48%), thủy sản (5,4% và 17,7%).

Giá nông, lâm, thủy sản, cũng như giá của nhiều hàng hóa khác trên thị trường thế giới tăng trong giai đoạn đó chủ yếu do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009. Bên cạnh đó, các gói kích cầu khổng lồ mà nhiều chính phủ tung ra năm 2009 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đã đẩy giá cả tăng, tạo sức ép lên lạm phát toàn cầu. Do giá xuất khẩu tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2010-2011 tăng trưởng cao.

Bảng 4: Diễn biến giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (%)

Nhóm hàng

2010

2011

2012

8 tháng đầu năm 2013*

Thuỷ sản

5,4

17,7

1,54

-3,42

Rau quả

3,5

10,6

0,73

1,44

Hạt điều

19,8

38,6

-17,98

-8,03

Cà phê

2,1

48,0

-5,24

-3,00

Chè

7,7

4,4

-1,89

1,89

Gạo

2,2

62,1

-11,03

-7,73

Hạt tiêu

-

15,0

15,60

-4,57

Sắn và sản phẩm từ sắn

-

8,3

-12,58

5,05

Cao su

56,5

45,7

-31,48

-18,66

Gỗ và sản phẩm gỗ

-0,4

6,4

6,10

1,47

Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (* so với cùng kỳ năm trước)

Đến năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, giá xuất khẩu nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã đảo chiều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là: giá cao su (-31,48%), gạo (-11,03%), hạt điều (-17,98%). Song bù lại, lượng xuất khẩu năm 2012 của nhiều nhóm hàng tăng khá, trong đó tăng mạnh nhất là sắn và sản phẩm từ sắn (55,2%), cà phê (37,9%), hạt điều (25,6%), gạo (13,1%). Do lượng xuất khẩu tăng nên mặc dù giá giảm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2012 xét về kim ngạch vẫn tăng 2,4 tỷ USD so với năm 2011. Tuy nhiên, do giá giảm mạnh, nên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và tỷ trọng nhóm hàng này trong xuất khẩu giảm đáng kể.

8 tháng đầu năm 2013, xu hướng giảm giá của nhóm hàng này vẫn tiếp tục, trong đó giảm mạnh nhất là giá cao su (-18,66%), gạo (-7,73%), hạt điều (-8,03%). Đáng lo ngại là cùng với xu hướng giảm giá, lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng trong 8 tháng đầu năm 2013 của Việt Nam cũng giảm, trong đó giảm mạnh là cà phê (-21,8%), sắn và sản phẩm từ sắn (-23,7%), cao su (-14,3%), gạo (-14,2%). Do nhiều mặt hàng giảm giá hoặc giảm lượng xuất khẩu hoặc giảm cả hai, nên kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm 1,1% so với cùng kỳ 2012, ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay.

Dự báo cả năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhiều khả năng giảm so với năm 2012. Ngoài nguyên nhân chính là giá giảm, xuất khẩu nhóm hàng này năm 2013 gặp khó khăn còn do các nguyên nhân khác. Đó là:

(1) Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường lớn có sự sụt giảm. Đồng thời, rào cản thương mại do các nước nhập khẩu dựng lên ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe, khiến xuất khẩu ngày càng khó khăn.

(2) Hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phần lớn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, nên với một mặt hàng mỗi nơi làm một kiểu, khiến sản phẩm không theo chuẩn thống nhất, chất lượng không đều, khó xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn mặt hàng gạo, tuy Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, song gạo Việt Nam hiện chưa có một thương hiệu nào.

(3) Thiếu nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu. Chẳng hạn trong lĩnh vực thủy sản, do nuôi không đúng kỹ thuật, nên tôm cá chết hàng loạt dẫn đến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt.

(4) Do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Và những hệ lụy

Nông, lâm, thủy sản là nhóm hàng chiếm tỷ trọng trên 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước những năm gần đây. Năm 2013, tỷ trọng đó giảm xuống chỉ còn khỏang 1/5. Xu hướng sụt giảm xuất khẩu của nhóm hàng này dẫn đến những hệ lụy:

Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Mặc dù năm 2013, Quốc hội đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng 10% so với năm trước, song nếu kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sụt giảm mạnh thì mục tiêu này cũng khó có thể đạt được.

Thứ hai, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản kéo theo sự giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Thứ ba, đời sống của một bộ phận lớn người lao động, trong đó có người nông dân làm nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn.

Khuyến nghị

Để xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản phát triển bền vững và hiệu quả, mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước, xin đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, cần chuyển từ chiến lược liên tục tăng số lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hiện nay sang chiến lược xuất khẩu sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn. Nói cách khác, cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu dựa chủ yếu vào số lượng hiện nay sang dựa vào chất lượng.

Hai là, cần phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, để chuyển dần xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Ba là, cần có chiến lược xây dựng được thương hiệu cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu hiện nay, như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, cá tra...

Bốn là, về dài hạn cần tiến đến một nền sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô, tập trung, hiện đại, có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới./.

TS. Lê Quốc Phương

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013